(kontumtv.vn) – Để hiểu rõ hơn về kì thi THPT Quốc gia tại tỉnh Kon Tum diễn ra từ ngày 25-27/6/2018, Phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Kon Tum.

PV: Xin ông cho biết tình hình chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, cụm thi do Sở GD&ĐT Kon Tum chủ trì đến thời điểm này có khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ?

Ông Nguyễn Phúc Phận: Bộ GD&ĐT giao cho tỉnh Kon Tum chủ trì cụm thi này và phối hợp cùng Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum để tổ chức kì thi. Để chuẩn bị cho kì thi, sở tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Phó Ban thường trực là Giám đốc Sở GD&ĐT. Các Phó trưởng Ban là lãnh đạo các trường phối hợp và lãnh đạo các sở, ngành tham gia thành viên. Nhìn chung công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, công tác phối hợp của các sở, ngành, của các trường đại học, cao đẳng và UBND các huyện, thành phố phối hợp rất tốt, sẵn sàng cho kì thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt được kết quả mà cha mẹ học sinh, học sinh cũng như ngành Giáo dục và toàn xã hội mong muốn.

Ông Nguyễn Phúc Phận trả lời phỏng vấn của PV
Ông Nguyễn Phúc Phận trả lời phỏng vấn của PV

PV:  Xin ông cho biết thêm về những điểm mới trong công tác thi, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm nay so với các năm trước đây.

Ông Nguyễn Phúc Phận: Năm nay cũng giống các năm trước là có 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, ở đây là Tiếng Anh và 2 môn tự chọn là tổ hợp tự nhiên và tổ hợp xã hội. Hai môn tự chọn thì các năm trước thí sinh chỉ được chọn 1, hoặc là tự nhiên, hoặc là xã hội. Năm nay thí sinh  được chọn hoặc là tự nhiên, hoặc là xã hội, hoặc cả hai để các em có nhiều bài thi, có nhiều tổ hợp xét tuyển đại họ, cao đẳng. Thứ hai các năm trước khung kiến thức lớp 12. Năm nay ngoài phần chính tập trung ở lớp 12 thì khối lượng kiến thức lớp 11 cũng được đưa vào bài thi. Về tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng có thay đổi. Trước đây điểm ưu tiên giữa các khu vực là 0,5. Cụ thể thí sinh Kon Tum được xếp vào khu vực 1 được cộng 1,5 điểm. Năm nay học sinh Kon tum được ưu tiên 0,75. Mới nữa là tuyển sinh cho ngành Sư phạm Bộ quy định điểm chuẩn, các chuyên ngành khác Bộ giao cho các trường. Sau khi có điểm thi dùng kết quả đăng kí điều chỉnh được 1 lần. Sau khi có điểm thí sinh lưu ý chọn ngành thỏa mãn nhu cầu muốn học và đáp ứng với điểm của mình để khả năng trúng tuyển cao.

PV: Để giúp thí sinh đạt kết quả tốt nhất trong kì thi, xin ông cho biết thí sinh cần lưu ý những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Phúc Phận: Bài thi hầu hết là trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn), trong mỗi bài thi rất dài, có những câu rất khó. Lời khuyên của tôi thứ nhất tạo tâm lý thoải mái. Khi làm bài thi thí sinh nên lướt qua đề thi để chọn những câu chắc ăn để làm. Sau đó làm bài thi, câu dễ làm trước, làm xong tô đen vào câu đó, nếu không thì xem như không làm. Lời khuyên nữa là thí sinh không được bỏ trống câu nào. Có những câu khó chọn theo cảm nhận, vẫn phải đánh, không bỏ trống, ta đánh vào thì thi trắc nghiệm vận may vẫn có, biết đâu trúng. Nhắc thí sinh lưu ý  những gì được mang vào phòng thi và không được mang vào phòng thi. Tôi hết sức quan tâm đó là điện thoại, nhiều điểm thi vẫn rơi vào tình trạng này, mang vào phòng thi quên tắt nó reo lên là xong. Về phía cha mẹ học sinh tôi đề nghị nên quan tâm tạo điều kiện nhắc nhở các cháu trong giờ thi, sáng thi, chiều thi lỡ ngủ trưa trễ giờ là xong. Chế độ ăn uống cũng nên quan tâm, ăn uống bình thường, quá trình ăn uống có gì lạ là ảnh hưởng đến đường ruột, ảnh hưởng quá trình thi. Thấy con mình thi tìm món ngon ăn mà không quen thì rất nguy hiểm.

 PV: Xin chân thành cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi!

                                                                                      Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *