(kontumtv.vn) –  Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trên địa bàn tỉnh, trong những ngày qua, các cấp ngành, địa phương và các hộ chăn nuôi trong tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp để tập trung cho nhiệm vụ chống dịch.

pvgc

Cán bộ thú y tập trung tiêm phòng dịch cúm gia cầm.

Từ ngày 26/1 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 điểm dịch tại phường Lê Lợi, phường Ngô Mây của Thành phố Kon Tum; xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi và xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Sau khi xảy ra dịch Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xác minh, hướng dẫn các địa phương tiêu hủy toàn bộ gia cầm tại các hộ có gia cầm mắc bệnh, vệ sinh khử trùng tiêu độc, thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch và phòng chống dịch theo quy định, đồng thời cấp phát tạm ứng vắc xin cúm gia cầm, hóa chất khử trùng và các trang thiết bị cần thiết để triển khai phòng chống dịch, nhất là các địa bàn trọng điểm xảy ra dịch. Ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Toàn bộ số vắc xin đã cấp phát đến giờ này là hơn 63.000 liều và dự kiến tiếp tục số văc xin sẽ tăng lên trong thời gian tới, lượng vắc xin đảm bảo nhu cầu cho tổng đàn chăn nuôi của các vùng trọng điểm của 2 huyện và thành phố Kon Tum. Các huyện khác nếu có nhu cầu thì Chi cục sẽ tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó  chúng tôi cũng chỉ đạo cho tất cả Trạm Thú y các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cũng như gia súc và nắm chắc tình hình chăn nuôi để có những phương án tham mưu cho chính quyền địa phương chủ động trong phòng chống dịch trong thời gian tới.

  Tại Thành phố Kon Tum, địa bàn đầu tiên tái phát dịch cúm gia cầm tại 2 phường Lê Lợi và Ngô Mây, ngay sau khi nhận vắc xin, từ chiều ngày 13/2 đến nay, việc tiêm phòng vắc xin cúm A- H5N1 để bao vay, khống chế dịch cúm lây lan trên đàn gia cầm đã được cơ quan Thú y gấp rút triển khai, đáp ứng nguyện vọng của các hộ chăn nuôi. Ông Đoàn Bá Quyết, Trưởng Trạm Thú y thành phố Kon Tum nói: Đến thời điểm hiện nay thì chưa đến kỳ tiêm phòng theo lịch tiêm phòng thường niên, nhưng do tình hình dịch như vậy nên Chi cục đã  tạm ứng vắc xin để kịp thời tiêm phòng, bao vay dập dịch càng sớm càng tốt.

 Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y tỉnh đã thành lập các đoàn công tác, phân công cán bộ phụ trách địa bàn để theo dõi, hướng dẫn chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương, cơ sở. Nhìn chung, các địa phương, cơ sở đều hết sức quan tâm công tác này. Ông Vương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo giao cho các xã thống kê số lượng đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi để có giải pháp tiêm phòng trong thời gian tới và theo sự chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện đã giao Trạm Thú y khẩn trương tiêm phòng, trước mắt là tiêm phòng cho xã Đăk Xú, nơi có điểm dịch, thứ hai tiếp tục chỉ đạo các xã tiếp theo tiêm phòng theo đúng quy định, không để phát sinh hoặc lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Đối với địa bàn Cửa khẩu,  huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo, giao cho các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ việc buôn bán gia cầm qua cửa khẩu, không để việc buôn bán làm ảnh hưởng đến dịch bệnh có thể lây lan, phát tán.

  Hiện nay, theo dự báo của Cơ quan thú y trong khu vực cũng như của tỉnh, tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết quyết tâm chống dịch của các cơ quan chức năng trong tỉnh: Hiện nay diễn biến thời tiết rất bất lợi và sau Tết thì hầu hết các hộ chăn nuôi cũng vào vụ để tái đàn, cho nên nguy cơ dịch bệnh rất cao, việc tổ chức chống dịch của tỉnh thời gian qua tuy rất quyết liệt, nhưng những điểm dịch  xảy ra phân tán rộng, nên công tác tổ chức chỉ đạo chống dịch buộc phải dàn trải  và  tốn nhiều nhân lực. Trước mắt ngành chức năng cũng như các địa phương đã huy động tối đa lực lượng để tập trung giải quyết dứt điểm các ổ dịch, khẩn trương để sớm thanh toán dịch bệnh này.

Tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các huyện, thành phố để triển khai công tác phòng chống dịch gia cầm, đồng chí Nguyễn Hữu Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, nhất là các địa phương có dịch xảy ra khẩn trương huy động các nguồn lực, vật lực tập trung cho nhiệm vụ chống dịch, với tinh thần quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, dập tắt các ổ dịch, không để dịch cúm gia cầm lây lan, bùng phát trên địa bàn.

 

Quang Mẫn – Duy Phong

         

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *