(kontumtv.vn) – Trong điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong nhà trường còn nhiều thiếu thốn, việc nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề trăn trở của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nỗ lực trong công tác này của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Ngọc Tụ, xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô rất đáng ghi nhận.

Vì điều kiện nhà ở xa trường, nên trước đây vào vụ mùa, cha mẹ em Y Tuyết phải tập trung cho việc nương rẫy, em phải thường xuyên nghỉ học. Từ ngày được các thầy cô đến nhà tuyên truyền, vận động, cha mẹ em đã quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con mình. Em Y tuyết (lớp 1, Trường Tiểu học Ngọc Tụ, xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô) nói: “Đến lớp em cảm thấy cảm thấy rất vui. Ở lớp có các bạn, có thầy cô, các thầy cô quan tâm, chăm sóc em tậm tình, em rất thích đến trường”.

Trường Tiểu học Ngọc Tụ, huyện Đak Tô
Trường Tiểu học  xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô

 Ngọc Tụ là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đak Tô. Địa bàn rộng, ngoài điểm trường chính còn có 5 điểm trường lẻ khác, điểm xa nhất cách trung tâm xã hàng chục km. Trường Tiểu học Ngọc Tụ có 20 lớp, với 340 học sinh, 100%  học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, các bậc phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ về công tác giáo dục nên việc huy động học sinh ra lớp hết sức khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Trường Tiểu học Ngọc Tụ cho biết: “Việc duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần là một vấn đề được trường chúng tôi rất quan tâm, hiện nay chúng tôi phải xuống tới tận thôn, làng nơi các em sinh sống để vận động các em ra lớp. Trong quá trình vận động, nhiều phụ huynh nhận thức chưa tốt, nhưng nhờ chính quyền địa phương cũng có quan tâm, đôn đốc các em dần dần đến lớp”.

Ngoài việc phân công giáo viên đến gia đình các em để vận động, nhà trường đã phối hợp với Ban quản lý thôn, làng lồng  ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn, làng  tuyên truyền, vận động các em ra lớp, đảm bảo sĩ số. Thầy giáo Hiệu trưởng Trần Văn Định  cho biết thêm: “Trong việc duy trì sĩ số học sinh, chúng tôi đã tham mưu với Đảng ủy, chỉ đạo các thôn, các Chi bộ, đoàn thể tuyên truyền, vận động. Đến nay, việc cha mẹ học sinh không quan tâm đến việc con em đi học không còn nữa. Về nâng cao chất lượng dạy học thì chúng tôi  dạy học cả ngày ở tất các điểm trường, rồi tăng thời lượng để dạy đối với học sinh yếu kém vào các buổi chiều, tổ chức các buổi học ngoại khóa, vui chơi nhằm tạo cho các em yêu thích trường và từ đó chất lượng dạy học đã nâng lên rõ rệt”.

Nhờ áp dụng nhiều giải pháp khuyến khích các em đến trường cùng với nỗ lực của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Ngọc Tụ, trong những năm qua chất lượng giáo dục ở đây đã tăng lên rõ rệt. Trường đã được công nhận Trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 vào năm 2013.

Đức Thắng – Ngọc Chí

                                                                               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *