(kontumtv.vn) – Trong 5 năm qua, phong trào thi đua Dân vận khéo giai đoạn 2011 – 2015 đã nhận được sự quan tâm tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều mô hình, điển hình Dân vận khéo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.

Được thành lập từ tháng 3/2015, mô hình Dân vận khéo “Nhóm phụ nữ không tái hoạt động tà đạo Hà mòn, tích cực tham gia hoạt động cộng đồng” của 3 thôn đồng bào DTTS xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum đã phát huy hiệu quả tích cực. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội LHPN xã trong công tác tuyên truyền, vận động, đã giúp cho các chị em từng lầm lỡ tin theo tà đạo Hà Mòn hiểu được bản chất, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thay đổi nhận thức, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Chị Y Phát (thôn Kép Ram, xã Hòa Bình nói: “Bữa nay tôi không đọc kinh ở nhà mà đọc kinh ở nhà thờ. Giờ tập trung làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”.

Tuyên truyền tại Nhà rông
Sinh hoạt tại nhà rông

“Một số chị em trước kia ít tham gia các hoạt động của địa phương như chào cờ, tham gia dọn dẹp vệ sinh và một số hoạt động tại đia phương. Từ khi tham gia thành viên mô hình này thì các chị tích cực tham gia, đặc biệt là chào cờ hàng tuần. Qua đó các chị em đã tập trung vào phát triển kinh tế gia đình”. Bà Phạm Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Bình cho biết.

Thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo của Ban Dân vận Trung ương phát động, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được hơn 1.000 mô hình dân vận khéo trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Nhiều mô hình Dân vận khéo của tập thể, cá nhân với những cách làm hay, việc làm sáng tạo đã mang lại lợi ích thiết thực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả. Thượng tá Kiều Ngọc Dư, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei nói: “Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng đã cầm tay chỉ việc, cho đảng viên kết nghĩa với hộ nghèo, hướng dẫn cho bà con từ cách áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, tăng gia sản xuất, kể cả tính toán đến việc chi tiêu, làm ăn như thế nào đối với từng hộ gia đình khi đã được giúp đỡ. Đó là phương pháp, cách làm của đơn vị, đã làm cho nhân dân chuyển biến nhận thức đáng kể”.

Nổi bật là phong trào thi đua Dân vận khéo gắn thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tỉnh quan tâm thực hiện. Nhiều phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào “5 không 3 sạch”, “Hũ gạo tình thương” của Hội LHPN các xã; mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của Hội Nông dân; mô hình “Thanh niên nông thôn với vệ sinh môi trường”, “Thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng”… Thông qua các mô hình dân vận khéo đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới bằng ngày công lao động, hiến đất, nhà cửa, vật kiến trúc… trị giá hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, thông qua các mô hình dân vận khéo đã giúp chính quyền nắm bắt và giải quyết những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân một cách kịp thời; nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo một cách hiệu quả; tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” phong trào thi đua Dân vận khéo đã có tác động tích cực, làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức trách nhiệm và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng sát cơ sở hơn. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *