(kontumtv.vn) – Sáng 08/01, tại tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Tây Nguyên- Thực trạng và thách thức trong phát triển bền vững”, do Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Tư vấn phát triển tổ chức. Lãnh đạo UBND tỉnh, sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, các nhà khoa học thuộc Ban Quản lý Khoa học, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện kinh tế Việt Nam và các Viện nghiên cứu Trung ương đã tham dự.
Toàn cảnh buổi Hội thảo:”Tây Nguyên – Thực trạng và thách thức phát triển bền vững”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lữ Ngọc Cư – Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Kể từ khi đất nước giải phóng đến nay, Tây Nguyên đã có những phát triển đáng kể trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay Tây Nguyên cũng đang bộc lộ thực trạng khiếm khuyết nhiều mặt rất đáng quan ngại. Đó là thực trạng kinh tế phát triển thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển hôi nhập; Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống; Việc khai thác sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập và phát sinh nhiều khuyết điểm; Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn rất cao; Chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển…Cùng với đó, môi trường đã bị tác hại nghiêm trọng do quá trình khai thác các tài nguyên. Do vậy, hội thảo là cơ hội để đại diện các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng phân tích thực trạng và đưa ra giải pháp chiến lược nhằm phát triển Tây Nguyên trong thời gian tới.
Qua thảo luận, các đại biểu đều khẳng định, Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam với nhiều đặc thù sinh thái, kinh tế, văn hoá và xã hội. Tuy nhiên, hiện Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều thách thức như suy thoái tài nguyên thiên nhiên, cơ cấu kinh tế chưa phù hợp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn xã hội, an ninh… Đặc biệt, quá trình phát triển của Tây Nguyên chưa giải quyết được hài hoà giữa phát triển của cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ và các cộng đồng mới nhập cư trong thời gian gần đây. Vì vậy, để phát triển bền vững, các tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng vấn đề liên kết nội vùng, quản lý và sử dụng đất đai cũng như tài nguyên rừng và thiết chế văn hóa của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Ths Phạm Quang Tú – Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển nói: Để phát triển Tây Nguyên trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất mấy nhóm giải pháp: Đầu tiên là khôi phục lại tài nguyên rừng của Tây Nguyên. Thứ 2 là cơ chế chính sách để cho những người dân tham gia bảo vệ rừng có thể sống trong rừng. Thứ 3 là giải quyết các vấn đề xã hội. Thứ 4 chúng tôi thấy rằng cần hỗ trợ trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch, tuyến giao thông quốc lộ 14 và các tuyến đường ngang, các tuyến nối Tây Nguyên với cảng biển lớn Miền Trung. Và cuối cùng là chúng tôi thấy rằng vấn đề quản lý và sử dụng đất đai của Tây Nguyên cần phải được cân đối, đặc biệt chúng ta phải cân đối diện tích các loại cây công nghiệp. Diện tích trồng cao su và cà phê của Tây Nguyên trong thời gian qua đều vượt so với qui hoạch trước đây và nó đang để lại hệ lụy, thứ nhất là chất lượng sản phẩm của chúng ta không cao và thứ 2 là ảnh hưởng đến các loại tài nguyên khác, đặc biệt là tài nguyên nước.
Nhìn về góc độ nghiên cứu xã hội học, Nhà văn Nguyên Ngọc bày tỏ quan điểm: Tôi thì cho rằng Tây Nguyên sau 40 năm chúng ta làm được một số việc đồng thời chúng ta cũng là hỏng đi rất nhiều. Thế thì bây giờ có rất nhiều việc cần phải làm lại, cần phải khôi phục, nhưng theo tôi một trong những điều đầu tiên, công việc đầu tiên phải ra sức khôi phục cho kỳ được, đó là khôi phục rừng. khôi phục được rừng thì mới có thể khôi phục tất cả những cái chúng ta đã làm hỏng và chúng ta muốn khôi phục. Có rừng, rừng sống trở lại thì làng mới sống trở lại. Phải giải quyết vấn đề sinh kế thì người dân mới giữ được rừng.
Các đề tài cấp nhà nước được trình bày tại hội thảo tập trung vào các nội dung chủ yếu như xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững Tây Nguyên, liên kết nộị vùng trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên, phát triển doanh nghiệp ở Tây Nguyên, vấn đề quản lý và sử dụng đất đai ở Tây Nguyên, tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững. Qua đây, hội thảo nhận diện rõ hơn về những lợi thế và thách thức trong quá trình phát triển ở Tây Nguyên. Đó cũng là cơ sở để các nhà khoa học đưa ra những đề xuất về định hướng, cơ chế chính sách phù hợp nhằm góp phần phát triển Tây Nguyên bền vững.
Thanh Tùng – Công Luận