(kontumtv.vn) – Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm được Bộ NN&PTNT phát động với mục tiêu sản xuất các sản phẩm truyền thống có nguồn gốc từ địa phương, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Tại tỉnh Kon Tum, việc thực hiện chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm đã được các địa phương chú trọng, bước đầu tạo điểm nhấn trong việc xây dựng thương hiệu về các sản phẩm đặc trưng.

 Dựa vào điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và kinh nghiệm của người dân, thời gian qua, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đã tập trung xây dựng mô hình gà thả vườn theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Xây dựng thương hiệu gà thả vườn Hà Mòn nhằm tạo tiền đề để phát triển chăn nuôi trên địa bàn theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, không sử dụng cám công nghiệp và các loại chất cấm trong giai đoạn thả vườn; gà xuất ra đảm bảo là gà sạch, có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Đến nay, xã Hà Mòn có trên 400 hộ chăn nuôi gà thả vườn áp dụng đảm bảo các quy định về sản phẩm đặc trưng của xã, với tổng đàn đạt trên 25.000 con. Chị Võ Thị Hằng (thôn 4, xã Hà Mòn) nói: “Nuôi gà thả vườn thì mình tận dụng được tất cả các loại thức ăn cho gà như rau, cám,  nó có lợi thế hơn so với nuôi gà nhốt chuồng. Về giá cả thì nó vẫn cao hơn so với gà nuôi chuồng, còn về thời gian thì hơi kéo dài một chút nhưng khi thu nhập thì nói chung là khách hàng hài lòng”.

Giới thiệu sản phẩm đặc trưng huyện Đăk Hà
Giới thiệu sản phẩm đặc trưng huyện Đăk Hà

Huyện Đăk Hà là đơn vị đi đầu của tỉnh trong việc phát triển và quảng bá chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Tại lễ ra mắt chương trình, huyện đã trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của 11 xã, thị trấn, doanh nghiệp, HTX. Tiêu biểu như sản phẩm măng le khô xã Đăk Pxi, nấm dược liệu của HTX Cựu quân nhân xã Đăk Hring, cà phê sạch nguyên chất của HTX kiểu mới Nông nghiệp và Dịch vụ công bằng Nông trại Pô Kô Farm ở thị trấn Đăk Hà, rượu ghè nếp cẩm và các sản phẩm làm từ gạo nếp cẩm của xã Đăk Ngọk; gạo nếp than, tiêu sạch xã Đăk Long, lúa thơm xã Đăk La, đồ thủ công mỹ nghệ làm từ vật liệu tự nhiên của xã Đăk Ui, rượu ghè xã Ngọk Réo, trái cây sạch xã Ngọk Wang, mật ong xã Đăk Mar, gà thả vườn xã Hà Mòn… Ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: “Để duy trì cái này, không chỉ một xã một sản phẩm mà có thể mỗi xã có nhiều sản phẩm. Chúng tôi có kế hoạch vận động người dân tham gia, huyện từng bước sẽ có những quầy hàng để giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện. Khi sản phẩm này trở thành một hàng hóa lớn thì huyện cũng có trách nhiệm liên kết với các nhà tiêu thụ như siêu thị hay xuất khẩu sang nước ngoài. Những vấn đề đó huyện làm từng bước để vận động người dân sản xuất làm sao sản phẩm đặc trưng trở thành hàng hóa trên thị trường và làm sao để nâng cao đời sống, tăng thêm thu nhập của người dân”.

Đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Một số sản phẩm của người dân đã khẳng định giá trị, được thị trường tín nhiệm và tiêu thụ mạnh. Về giải pháp phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nói: “Giải pháp trọng tâm trong thời gian đến thì thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm sao để mọi người dân, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã hiểu rõ về chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Thứ hai là hướng dẫn người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký mô hình các sản phẩm trọng điểm của địa phương để triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời sẽ tư vấn, hỗ trợ cho các nhà sản xuất, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng chương trình các sản phẩm; xây dựng, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học để tổ chức thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh”.

Có thể nói, chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *