(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIV về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, 4 năm qua, cùng với các sở, ngành, địa phương của tỉnh, ngành Công Thương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các sản phẩm chủ lực chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất của ngành, tốc độ tăng trưởng ổn định và phát triển qua từng năm.

Sau hơn một năm loay hoay lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh, được sự tư vấn, hướng dẫn và trợ giúp của các ngành và địa phương, tháng 8/2014, HTX Nông nghiệp – Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, huyện Đăk Hà đã cho ra mắt sản phẩm cà phê bột nguyên chất mang thương hiệu cà phê Sáu Nhung. Sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất thứ 3 được sản xuất tại huyện Đăk Hà, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung nói: “Trong thời gian đầu HTX đã cố gắng tìm hiểu và đã được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đã tạo điều kiện giúp đỡ để đầy đủ các thủ tục, đủ điều kiện đưa vào chế biến, hoàn thành được sản phẩm. Bước đầu ra thị trường, nói chung cũng rất khả thi, được khách hàng ủng hộ tích cực”.

Sản phẩm cà phê Sáu Nhung
Sản phẩm Cà phê Sáu Nhung

Đăk Hà là địa phương có vùng nguyên liệu cà phê lớn nhất tỉnh, với trên 7.000 ha. Việc chế biến sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà đã được huyện quan tâm từ lâu, nhưng kể từ khi có Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy khóa XIV về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, từ năm 2011 đến nay, các sản phẩm cà phê tại huyện Đăk Hà đã phát triển mạnh và đa dạng. Từ cà phê nhân trực tiếp xuất khẩu đi các nước châu Âu, đến các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan, với các thương hiệu như cà phê Đăk Hà, Cà phê Huy Hùng, cà phê Sáu Nhung, cà phê Đăk Mar, cà phê chảy chậm…, trong đó có những sản phẩm đã được thị trường đánh giá cao. Đặc biệt, sản phẩm “Cà phê Đăk Hà – Vị đắng Bắc Tây Nguyên” của Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà được bình chọn trong top 20 sản phẩm người tiêu dùng tin cậy và đạt Cúp vàng tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng, đầu năm 2014 đã được công nhận đạt chuẩn UTZ. Sản phẩm được công nhận đạt chuẩn chất lượng nông sản sạch đầu tiên của sản phẩm cà phê bột Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà, không chỉ được chính quyền và doanh nghiệp quan tâm, mà còn được người dân tích cực hưởng ửng, từ khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: “Cái này huyện có rất nhiều chủ trương, làm sao xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà. Chính sách đối với các doanh nghiệp hợp tác đầu tư với người dân, các nhà khoa học thì nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ cao, chế phẩm sinh học vào sản xuất, đưa năng suất, chất lượng đảm bảo hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn và 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh được xác định tại Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Khóa XIV, ngành Công Thương có 2 nhóm ngành kinh tế mũi nhọn đó là công nghiệp chế biến nông – lâm sản và sản xuất, truyền tải, phân phối điện, với các sản phẩm chủ lực là cà phê, cao su, các sản phẩm chế biến từ sắn, bột giấy và giấy, gạch ngói và điện. 4 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp và nỗ lực của toàn ngành, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đã có điều kiện phát triển hơn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất của ngành. Trong 4 năm thực hiện Nghị quyết, đã có thêm 06 nhà máy chế biến mủ cao su được đầu tư mới và nâng cấp tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Sa Thầy và Đăk Hà; xây dựng mới 01 nhà máy chế biến cồn Eethanol tại huyện Đăk Tô; 01 nhà máy tinh bột sắn tại huyện Đăk Hà và một số cơ sở chế biến cà phê bột tại huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum, góp phần đáng kể trong chỉ số tăng trưởng của ngành. Ông Võ Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói tỉnh Kon Tum nói: “Thứ nhất là thu hút đầu tư vào các sản phẩm chủ lực, sản xuất sản phẩm chủ lực đã có sự tăng trưởng khá mạnh, thu hút khoảng 3.000 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào thủy điện và công nghiệp chế biến. Thứ hai là tỷ trọng giá trị sản phẩm của sản phẩm chủ lực ngày càng tăng, chiếm 40% trong năm 2011 và đã tăng lên 60 % của năm 2014”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các nhóm ngành mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của ngành vẫn còn nhiều khó khăn, do điều kiện xuất phát điểm của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, việc thu hút đầu tư chế biến sâu gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm chế biến từ lâm sản bị đình trệ do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Một số dự án trọng điểm như bột giấy, sản xuất gạch không nung khó khăn về vốn, nên tiến độ bị chậm so với kế hoạch.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, phối hợp tốt với các địa phương, tích cực tham mưu cho tỉnh trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đang được ngành Công Thương đặc biệt quan tâm. “Thứ nhất là tập trung rà soát lại quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm để làm cơ sở để thu hút đầu tư phát triển đối với các ngành mũi nhọn và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. Thứ hai là đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng cánh đồng lớn tập trung, thực hiện tốt liên kết 4 nhà để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định để phục vụ cho cho chế biến. Thứ 3 là tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai như  điện, rồi hạ tầng khu công nghiệp và thứ 4 nữa là tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại”. Ông Võ Xuân Sơn cho biết.

Xây dựng và phát triển các nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm công nghiệp chủ lực của ngành là nhiệm vụ trọng tâm, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, đồng thời là khâu đột phá quan trọng để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ngành nhanh và bền vững, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *