(kontumtv,vn) – Đến với huyện đảo Trường Sa thân yêu, chứng kiến được sự anh dũng, kiên trung của quân và dân huyện đảo, hiểu rõ được từng viên san hô, từng tấc đất ở đây đều thấm đẫm mồ hôi, công sức và cả máu của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình xây dựng, chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng ta sẽ hiểu được vì sao cán bộ, nhân dân huyện đảo được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó nhiều đơn vị được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nằm ở giữa Biển Đông về phía đông nam của đất nước, quần đảo Trường Sa có nhiều đảo nhỏ và bãi cạn san hô với diện tích vùng biển rộng từ 160.000-180.000km2 và cách Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 243 hải lý. Đây là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt và hiếm nước ngọt nhưng có vị trí chiến lược quan trọng trong việc kiểm soát tuyến đường hàng hải quốc tế nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Đây cũng là vùng biển có nhiều loại hải sản quý như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao. Cùng với xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, từ nửa đầu thế kỉ thứ XVII chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền quần đảo Trường Sa vào Việt Nam và từ đó đến nay Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm xây dựng và chiến đấu bảo vệ, đến nay Việt Nam đang thực hiện chủ quyền tại 21 đảo gồm 9 đảo nổi và 12 đảo đá ngầm với 33 vị trí đóng quân. Kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ và hy sinh, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đại úy Ngô Văn Hưng, Chỉ huy Trưởng đảo Đá Đông nói: “ Vào những ngày này, khi cả nước đang hướng về Trường Sa, thì cán bộ chiến sĩ trên đảo Đá Đông luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cán bộ chiến sĩ đảo Đá Đông luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu, gửi gắm của nhân dân cả nước và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống. Chúng tôi muốn nhắn nhủ với nhân Dân cả nước cứ yên tâm, tin tưởng tuyệt đối vào những người lính Hải quân, chúng tôi sẽ khắc phục mọi khó khăn, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân cả nước”.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả mà Đảng, nhân dân cả nước tin tưởng giao phó, đó là xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, có không ít cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa đã anh dũng hy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Sự kiện ngày 14/3/1988 còn mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự xâm lược của Trung Quốc, thiếu úy trẻ Trần Văn Phương cùng 63 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh nhưng vẫn giữ vững lá cờ Tổ quốc. Trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước trong thời điểm hiện nay tại quần đảo Trường Sa, tuy có thuận lợi hơn trước, nhưng vẫn có những cán bộ, chiến sĩ phải hy sinh khi tuổi đời vừa ngoài đôi mươi. Sự hy sinh anh dũng của các anh là động lực, là sức mạnh để thế hệ hôm nay kế thừa, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. “Dù bất kì hoàn cảnh nào, cán bộ chiến sĩ cũng linh hoạt, kiên quyết, mềm dẻo, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ vùng trời, vùng biển quốc gia, không lùi bước trước bất kì hoàn cảnh khó khăn nào”.Thượng úy Nguyễn Văn Trung, Chính trị viên đảo Tiên Nữ khẳng định.
Kinh tế đất nước phát triển, hạ tầng thiết yếu tại các điểm đảo, đặc biệt là các đảo chìm từng bước được đầu tư xây dựng như doanh trại, điện, điện thoại, bể chứa nước, cầu tàu, trang thiết bị quân sự để tạo thuận lợi hơn cho cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa trong thực thi nhiệm vụ so với trước đây. Tuy nhiên, so với đất liền thì điều kiện sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa còn thiếu thốn rất nhiều. Các anh phải sống trong không gian hạn chế và thực thi nhiệm vụ trong môi trường khí hậu khắc nghiệt giữa biển cả mênh mông. Đại tá Xiêng Năng Hóa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, trong đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum ra thăm Trường Sa bày tỏ niềm khâm phục: “Qua thực tế thăm các đảo và điểm đảo Trường Sa, qua trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ chiến sĩ nơi đây tôi thấy rằng mặc dù điều kiện cuộc sống còn khó khăn, song các đồng chí Hải quân luôn vững vàng bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Đây là tinh thần chiến đấu kiên cường. Trường Sa xứng đáng là đơn vị anh hùng.
Tinh thần anh hùng của cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa không chỉ thể hiện bằng ý chí sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, mà còn thể hiện rõ nét qua việc sáng tạo, vượt khó để giảm bớt khó khăn nơi đảo xa. Trong điều kiện nước ngọt khan hiếm, có thời điểm mỗi ngày mỗi người chỉ được dùng một lít nước ngọt, nhưng các anh vẫn bám trụ vượt qua. Đặc biệt, trong điều kiện không có đất, thiếu nước ngọt nhưng những người lính đảo vẫn chăn nuôi được heo, gà vịt và trồng được rau xanh để cải thiện đời sống. Nhìn những đám rau xanh mơn mởn thắm đẫm mồ hôi và công sức của các anh, những già làng Tây Nguyên không thể không ngưỡng mộ. Bởi lẽ, trồng được rau trên những đảo chìm thật là kỳ tích. Thiếu úy Trần Hải Dương, y sĩ đảo Tiên nữ nói: “Trồng rau là nhiệm vụ hàng đầu nâng cao sức khỏe cho đời sống bộ đội. Mọi người phải góp sức lại để chăm sóc rau. Ngoài tiết kiệm nước, tắm giặt phải giữ lại nước để tưới rau”.
Trường Sa anh hùng không chỉ vì có những người lính gan dạ, dũng cảm, mà trên quần đảo này còn có những công dân ưu tú của đất nước đang ngày đêm sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ chủ quyền của biển đảo. Họ thật sự là người lính của đảo anh hùng. Anh Nguyễn Quốc Toàn, công dân thị trấn Trường Sa khẳng định: “Nếu xảy ra sự cố thì những người dân trên đảo cũng sẵn sàng chiến đấu, tinh thần lúc nào cũng đề cao cảnh giác. Nếu có lệnh thì trên đảo bất cứ lúc nào dân với bộ đội cũng sẵn sàng chiến đấu. Mình phải giữ nước, còn nước thì còn mình, mất nước thì mình cũng mất theo luôn”.
Với những chiến công đạt được trong thực hiện nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cán bộ nhân dân đảo Trường Sa và các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Tiểu đoàn DK1 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều điểm đảo được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và các danh hiệu cao quý.
Đến với Trường Sa hôm nay, tận mắt chứng kiến thế hệ trẻ công dân Việt Nam được sinh ra và lớn lên trên huyện đảo, cảm nhận được tình yêu đảo, yêu đất nước của các em, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn vì sao Trường Sa là đảo Anh hùng và Trường Sa sẽ vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước.
Văn Hiển