(kontumtv.vn) – Có thể nói, bắt đầu từ việc làm thiết thực của ngành Văn hóa Kon Tum, giới nghiên cứu văn hóa toàn quốc đã thực sự quan tâm sâu sắc đến một thiết chế văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của Tây Nguyên, đó là Nhà Rông và Văn hóa Nhà Rông.

Đã tròn 15 năm kể từ ngày UBND tỉnh Kon Tum ban hành Chỉ thị số 21/CT-UB về việc Khôi phục Nhà Rông truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trước khi tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị được đánh giá là hợp “Ý Đảng, lòng dân” này, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh, nay là Sở VH-TT &DL, đã làm cuộc khảo sát toàn bộ các Nhà Rông hiện có trên địa bàn tỉnh ở thời điểm đó, cả về kiến trúc và công năng sử dụng truyền thống, sau đó tổ chức một Hội thảo khoa học cấp tỉnh về Nhà Rông. Hai năm sau, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 21/CT-UB, Hội thảo khoa học cấp tỉnh lần thứ hai được tổ chức. Hai tập Kỷ yếu của hai Hội thảo này được Sở Văn hóa – Thông tin xuất bản, gây sự chú ý của báo giới và các học giả quan tâm đến văn hóa Tây Nguyên. Và tháng 4/2004, Bộ Văn hóa – Thông tin, Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Bộ VHTT đã tổ chức ngay tại Kon Tum một Hội thảo khoa học mang tầm quốc gia về Nhà Rông và Nhà Rông văn hóa Tây Nguyên với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học có  uy tín trong cả nước.

08.7.nha rong TN

Về tên gọi Nhà Rông

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ tên gọi Nhà Rông mà gọi là Nhà Làng, Nhà Thiêng, Nhà cộng đồng, dựa vào tính chất của thiết chế và tên gọi khác nhau của thiết chế này ở mỗi dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Theo quan điểm những người làm công tác văn hóa của tỉnh, chúng ta không nên thay đổi tên gọi này, bởi vì danh từ chung Nhà Rông đã xuất hiện từ xa xưa, nó đã đi vào Sử thi Đam San, đã quen thuộc và nổi tiếng đến mức  bất cứ một người Việt Nam nào (và có lẽ cả người nước ngoài) khi nghe đến Nhà Rông là họ biết ngay đó là một kiến trúc đặc biệt, riêng có ở Trường Sơn – Tây Nguyên của Việt Nam. Hơn nữa, nếu vì sự khác nhau giữa tên gọi thiết chế này ở mỗi dân tộc mà ta đổi lại gọi là Nhà Làng, thì bản thân từ Nhà Làng cũng đã Việt hóa.Còn gọi là Nhà cộng đồng, nó lại đồng nghĩa với Nhà văn hóa, Câu lạc bộ. Thay đổi một tập tục, một thói quen, một tên gọi đã định hình là cả một quá trình lâu dài, vậy thì có cần phải thay đổi nếu không thực sự cần thiết, nhất là khi tên gọi đó đã quá thân quen, đã đi vào tiềm thức của mỗi người?

Quan hệ Làng – Nhà Rông – Văn hóa Nhà Rông – Nhà Rông văn hóa

Đặt Nhà Rông trong trục lôgic này là để khẳng định giá trị cũng như sự kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa Nhà Rông. Có ý kiến nhấn mạnh tính Thiêng của Nhà Rông (nên nhiều học giả gọi là Nhà Thiêng) và đề nghị giữ nguyên các tính năng như xưa nay vốn có, còn các hoạt động văn hóa đương đại tổ chức ở nơi khác (xây  Nhà Rông Văn hóa riêng chẳng hạn). Chúng ta không phủ nhận giá trị Thiêng của Nhà Rông trong tâm thức người dân, bởi nơi đây lưu giữ những vật Thiêng– Thần bản mệnh của Làng, lưu giữ những di vật chứng minh sức mạnh và sự giàu có của làng. Nhưng về bản chất, tính Thiêng của nhà Rông khác hẳn với nhà thờ, đình, chùa. Góc Thiêng trên Nhà Rông bình thường không ai được động đến, nhưng Nhà Rông lại là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động đời thường như uống rượu cần, chiêng xoang, hát kể sử thi, phân xử các tranh chấp theo luật tục, truyền thụ kinh nghiệm sản xuất, chiến đấu, thậm chí có dân tộc, Nhà Rông còn là nơi cho thanh niên nam nữ chưa chồng chưa vợ đêm đêm đến ngủ để có cơ hội tỏ tình, tìm hiểu lẫn nhau, điều không cho phép ở nhà thờ, đình, chùa. Chúng ta hãy đặt sự ra đời của Nhà Rông trong hoàn cảnh lịch sử tụ cư khép kín của Làng dân tộc Tây Nguyên xưa thì sẽ hiểu được tính đa năng của Nhà Rông và cũng chính bởi Nhà Rông được dựng lên nhờ công sức, lao động vất vả ròng rã bao tháng trời  của cả làng, nên họ tôn trọng, yêu quý nó là điều dễ hiểu. Ngoài Góc Thiêng theo quan niệm và tín ngưỡng dân tộc thì các sinh hoạt cổ truyền bên trong và bên ngoài Nhà Rông như đã nêu trên cũng chẳng có sự khác biệt đáng kể với các sinh hoạt văn hóa đương đại – Đây chính là cơ sở để chúng ta hình thành cái gọi là Nhà Rông Văn hóa mà đồng bào tự nguyện chấp nhận, theo nguyên lý bảo tồn, kế thừa, phát triển.

Từ Nhà Rông truyền thống đến Nhà Rông Văn hóa

Nhà Rông – Văn hóa Nhà Rông là cái vốn có từ bao đời và ngày càng được bổ sung, còn Nhà Rông văn hóa  là sản phẩm đương đại, được bắt nguồn từ Nhà Rông và Văn hóa Nhà Rông, đó chính là điểm tựa vững chắc, là thế và lực để phát huy, phát triển.Quan điểm cho rằng vận động đồng bào khôi phục Nhà Rông cổ truyền, thực hiện các chức năng cổ truyền vốn có, còn Nhà nước xây dựng bên cạnh đó một cái gọi là  Nhà Rông văn hóa mang hình dáng Nhà Rông, đưa các sinh hoạt văn hóa mới vào đây… là không phù hợp. Sẽ không ai vào cái Nhà Rông văn hóa đó, cho dù nó có khang trang, to đẹp, hiện đại đến mấy. Bởi vì một làng không thể có hai Nhà Rông, dù là Nhà Văn hóa mang hình dáng Nhà Rông! Mặt khác, một sự thật cần được thừa nhận là tính Thiêng trong Nhà Rông cổ truyền do dân tự xây dựng hiện nay cũng không còn đậm đặc như trước nữa, bởi tiến trình lịch sử đã thay đổi, vốn tri thức của thế hệ hôm nay cũng khác nhiều so với ngày xưa. Nhà Rông cổ truyền ở các làng được sử dụng cho hoạt động đời thường của cộng đồng nhiều hơn, đó chính là điều kiện thuận lợi và phù hợp để hình thành Nhà Rông văn hóa theo định hướng ở nhiều địa phương hiện nay. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa làng, tách Nhà Rông ra khỏi làng theo cách Nhà nước bỏ tiền xây dựng Nhà Rông liên làng, Nhà Rông cụm xã là một sai lầm (do chủ trương bảo tồn Nhà Rông nhưng không đủ tiền đầu tư cho từng làng), như Chương trình mục tiêu quốc gia Đưa văn hóa thông tin về cơ sở trước đây đã đầu tư các cụm văn hóa liên xã rồi đều bỏ hoang. Không thể áp đặt kinh nghiệm về sự song song tồn tại của đình chùa với Nhà văn hóa làng xã ở vùng bắc Bộ vào Tây Nguyên được. Tỉnh Kon Tum chủ trương xây dựng Nhà Rông văn hóa là từ sự hiện hữu của Nhà Rông cổ truyền chứ không phải là xây dựng Nhà Rông văn hóa bên cạnh Nhà Rông cổ truyền.(Ở đây cần phân biệt việc xây dựng Nhà Rông ở các trung tâm thị trấn, thị tứ với mục đích, công năng sử dụng khác với Nhà Rông truyền thống ở làng). Chỉ thị 21/CT-UB của UBND tỉnh Kon Tum là vận động nhân dân tự thân vận động khôi phục Nhà Rông truyền thống, tức là để người dân “Thổi hồn” vào cái công trình mà họ đổ bao mồ hôi, công sức xây dựng nên và ngành Văn hóa hãy dựa vào đó mà đưa các nội dung sinh hoạt văn hóa Nhà Rông phù hợp với hoàn cảnh mới. Kết quả đến nay, phong trào khôi phục Nhà Rông truyền thống của tỉnh phát triển rất mạnh mẽ, đồng bào yêu quý ngôi Nhà Rông do công sức dân làng tạo dựng nên, và cũng không tẩy chay các hoạt động văn hóa mới tại Nhà Rông của làng, đây chính là hướng đi đúng của tỉnh nhà. Không nên lặp lại sai lầm khi Nhà nước đổ tiền xây dựng hàng loạt Nhà Rông theo một khuôn mẫu thống nhất đền bù cho dân vùng ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly, tuy bền vững, khang trang hơn đấy nhưng chỉ dùng để họp chi bộ, học nghị quyết, tập huấn khuyến nông khuyến lâm…còn sinh hoạt thuộc về tín ngưỡng, tâm linh đâu có tồn tại trên Nhà Rông kiểu này, nên nó “vô hồn, trống rỗng” như báo chí từng phản ánh là phải thôi!

Ngày 09/6/2014, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây chính là sự  tiếp nối, phát triển sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thiết nghĩ, đối với tỉnh Kon Tum, việc tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 21/CT-UB ngày 25/11/1999 của UBND tỉnh Kon Tum về Khôi phục và phát triển Nhà Rông truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là một việc làm hữu ích và rất cần thiết./.

                                                                           CTV Tôn Bảo 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *