(kontumtv.vn) – Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, nỗi đau chiến tranh dần được xoa dịu. Nhưng nỗi ám ảnh chất độc da cam/dioxin vẫn còn hiện hữu trong rất nhiều gia đình. Không gục ngã trước thử thách khắc nghiệt, bằng ý chí, nghị lực của mình, các nạn nhân chất độc da cam ở huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã tự vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

Năm 1968, ông Tạ Hưng Yên quê Nghệ An xung phong nhập ngũ. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông từng tham gia chiến đấu ở đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, rồi vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Năm 1974, ông Yên xuất ngũ trở về địa phương với nhiều di chứng do từng chiến đấu trong những cánh rừng bị rải chất độc. Đến năm 1984, ông cùng gia đình rời quê hương vào Đăk Hà làm kinh tế mới. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ về vốn vay của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, ông mạnh dạn đầu tư mua bò sinh sản, gà thả vườn và nuôi bốn con nhím giống. Đến nay, ông Yên đã xây dựng được mô hình kinh tế V-A-C khép kín, với thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Ông Tạ Hưng Yên chia sẻ: “Khi vào làm công nhân ở đây thì cũng được Nhà nước ưu đãi, chăm sóc. Rồi được các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Nạn nhân chất độc da cam cho vay vốn để nuôi nhím, nuôi bò, rồi nuôi cá, phát triển kinh tế, thì cũng làm tăng thêm thu nhập của gia đình, đời sống dần dần đến ổn định”.

Thăm mô hình kinh tế gia đình ông Tạ Hưng Yên
Thăm mô hình kinh tế gia đình ông Tạ Hưng Yên

Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, ông Yên còn tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò làm trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận thôn… Đến nay, dù đã 73 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng và mang trong mình nhiều vết thương, song ông vẫn là tấm gương sáng về nghị lực vượt lên nỗi đau, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, là điển hình trong việc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn về vốn, về kỹ thuật canh tác…để đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Ông Lê Xuân Bộ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà ghi nhận: “ Anh Yên có một đức tính mà dân người ta rất nể là tính trung thực, thẳng thắn, thật thà. Cho nên quan hệ xóm làng là người ta rất tin cậy, tin tưởng. Những trường hợp thiếu cái gì thì ông cũng sẵn sàng giúp đỡ”.

Ông Nguyễn Đức Thơ, quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương từng tham gia kháng chiến chống Mỹ khắp các chiến trường miền Nam, từng ở những “điểm nóng” nặng nề nhất của chất độc hóa học. Nhập ngũ năm 1967, đến năm 1976 xuất ngũ về địa phương. Thời gian đầu, ông còn tham gia công tác tại xã, song vì sức khỏe giảm sút do bệnh thần kinh ngoại biên, ông xin nghỉ để về nhà dưỡng bệnh. Đến năm 2000, khi đã ở tuổi 60, ông cùng gia đình vào xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà lập nghiệp. Nhìn thấy điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển mô hình trang trại. Từ 2 ha đất trống ban đầu, đến nay, ông đã sở hữu một trang trại rộng lớn tại thôn 1, xã Đăk Hring gồm trên 4 ha cà phê kinh doanh, gần 1.500 m2  ao cá, 1 ha cao su và hàng trăm cây ăn quả có giá trị. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí đã mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Đức Thơ cho biết: “Gia đình tôi mang 5 người con vào đây thì hai bàn tay trắng, không có cầu xin nhà nước một cái gì cả, tự thân vận động. Được Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Ngoại thương cho vay vốn  mua rẫy làm, đến nay các con nhà tôi đều có 4 đến 5 ha rẫy”.

Tuy đã thành công với việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, song bản thân ông Thơ vẫn luôn tâm niệm rằng mình là người may mắn vì vẫn còn được sống, được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hiện nay. Do đó, ông luôn mong muốn được chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi hơn để họ ổn định cuộc sống.

Được thành lập ngày 1/4/2008, đến nay huyện Đăk Hà có 10 hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cơ sở xã, thị trấn, với 420 hội viên. Số nạn nhân đã và đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng do phơi nhiễm, lây nhiễm là 192 người. Trong đó 170 người trực tiếp tham gia kháng chiến, 39 nạn nhân bị lây nhiễm. Thời gian qua, các cấp, ngành và các tổ chức, cá nhân đã có nhiều việc làm, nghĩa cử cao đẹp để phần nào làm dịu đi những đau thương, mất mát của những gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh để lại. Nhưng bên cạnh những người đã và đang nỗ lực vượt lên số phận, làm giàu cho bản thân và cho quê hương thì vẫn còn những gia đình, cá nhân đang chịu nhiều thiệt thòi cả về kinh tế cũng như hạnh phúc gia đình, đang cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

Hi vọng rằng, với tinh thần đoàn kết – nghĩa tình – trách nhiệm, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách, trong thời gian tới, cộng đồng xã hội sẽ tiếp tục góp sức, chung tay, góp phần xoa dịu nỗi đau, giảm bớt sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần của các nạn nhân da cam, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *