Với 88,35% đại biểu có mặt tán thành, Dự thảo Luật Đấu thầu  (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng ngày 26/11.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Điểm mới của Luật được nhìn nhận sẽ khắc phục  tình trạng chỉ chọn đơn vị có giá bỏ thầu rẻ mà không tính đến tiến độ dự án và năng lực nhà thầu như hiện nay. Các quy định cũng đều được thiết kế theo hướng  hỗ trợ nhà thầu trong nước nâng cao năng lực tham gia các dự án quốc tế lớn.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết UBTVQH đã bổ sung quy định về mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn Nhà nước phải được thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu tại điểm e khoản 1 Điều 1.

UBTVQH cũng tiếp thu và chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 (về chỉ định thầu) của dự thảo Luật  theo hướng chỉ nên áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật quốc gia; sửa Luật theo hướng giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

UBTVQH đề nghị bổ sung một điều (Điều 27) quy định: Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư lập phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, UBTVQH đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng ghép nội dung quy định về quy trình giải quyết kiến nghị và thời gian giải quyết kiến nghị thành một điều chung, trong đó, phân định rõ quy trình giải quyết các loại kiến nghị gồm: Kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu, kiến nghị đối với kết quả lựa chọn nhà thầu và kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, kiến nghị đối với kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Có ý kiến đề nghị quy định bổ sung trường hợp lựa chọn nhà đầu tư khai thác vận hành công trình, vận hành các dự án tại các doanh nghiệp Nhà nước, theo UBTVQH, đây là các hình thức mới được triển khai và thực tế chưa có tính ổn định. Do vậy, chưa nên quy định trong Luật để tránh những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh.

Liên quan đến bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 6), có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và trong trường hợp tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty Nhà nước và các công ty con UBTVQH cho rằng  việc xác định tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính trong các trường hợp cụ thể đòi hỏi cần xem xét, đánh giá trên nhiều phương diện, theo các tiêu chí về vốn sở hữu, về nhân sự… Những nội dung này cần được quy định một cách chi tiết trong văn bản hướng dẫn và trong hồ sơ mời thầu.

Ngoài những nội dung trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu nhiều ý kiến cụ thể đối với các nội dung như: Kế hoạch và quy trình lựa chọn nhà thầu, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng với nhà đầu tư, trách nhiệm của các bên trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu; đồng thời, thực hiện rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản.

* Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình.

Theo : Linh Đan/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *