(kontumtv.vn) – Với tỉ lệ lây nhiễm và tử vong gia tăng, Stockholm chịu chỉ trích trong và ngoài nước vì cách chống dịch Covid-19 khác biệt: không phong toả, cách ly.

Trên 6000 ca nhiễm, gần 500 bệnh nhân nằm ở khoa điều trị tích cực và 333 trường hợp tử vong do virus Covid-19. Đó là con số thống kê tính đến ngày 3/4 về tình hình dịch Covid-19 tại Thuỵ Điển, song các biện pháp mạnh mẽ trong cuộc chiến chống Covid-19 tại đây vẫn chưa được áp dụng.

Chính phủ trung tả của Thủ tướng Stefan Löfven đặt niềm tin vào ý thức công dân trong cuộc chiến với Covid-19. Các biện pháp được đưa ra cho đến nay là kêu gọi người dân hạn chế các mối tiếp xúc cá nhân và giữ khoảng cách, tiến hành nhiều xét nghiệm hơn, cấm tụ tập trên 50 người và cấm đến thăm các nhà dưỡng lão.

“Trong lĩnh vực ngăn ngừa dịch bệnh, tại Thuỵ Điển chúng tôi luôn trông cậy vào ý thức công dân”, chuyên gia về dịch tễ học Anders Tegnell thuộc Cơ quan Y tế Công Cộng Thuỵ Điển giải thích. Song đến ngày 1/4, ông Tegnell cũng thừa nhận rằng tỉ lệ nhiễm và tử vong tại Thuỵ Điển có dấu hiệu tăng đáng kể sau vài tuần khá ổn định.

Dường như, Thuỵ Điển muốn dựa vào thuyết miễn dịch cộng động để làm chậm sự lây lan virus trong dân chúng. Ai hồi phục sẽ có khả năng đề kháng với virus này. Và khi càng có nhiều người trở nên miễn dịch,  nó sẽ làm cho sự lây lan của virus chậm hơn hoặc dừng lại.

Song nhiều nhà khoa học Thuỵ Điển khuyến cáo về tính nguy hiểm của phương cách đối phó này. Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình vùng Flander (Bỉ) VRT qua điện thoại vào ngày 3/4, chuyên gia nghiên cứu về virus Cecilia Söderberg thuộc Đại học Karolinska (Thuỵ Điển), cho biết: “Chính phủ khuyên mọi người không nên gặp gỡ, song những cuộc tụ tập 50 người vẫn được phép’. Theo bà Söderberg, những biện pháp đưa ra cần rõ ràng hơn. “Tại Stockholm và những thành phố lớn khác cần phải thực hiện biện pháp phong toả. Nguy cơ thảm hoạ xảy ra ở Thuỵ Điển là rất lớn”, bà Söderberg nói.

thuy dien: tham hoa kho tranh khoi neu khong som 'phong toa' hinh 1
Người dân Stockholm đi ngắm hoa anh đào nở tại khu vườn Kungstrad ở Stockholm

vào ngày 01/04/2020. Ảnh: Jonathan Nackstrand/AFP

“Đối với Stockholm đã là quá muộn”

Hiện tại, thủ đô Stockholm là tâm dịch tại Thuỵ Điển. Các khoa chăm sóc tích cực ở một vài bệnh viện ở thủ đô Stockholm đang hoạt động hết công suất. Phát biểu trên đài truyền hình Thuỵ Điển vào ngày 2/4, bác sỹ Andreas Hvafrner cho hay: “Đáng tiếc, chúng tôi phải từ chối các bệnh nhân, chúng tôi cảm thấy đau lòng vì không thể giúp họ”. Trong bối cảnh số bệnh nhân gia tăng, Stockholm đặt kế hoạch dựng bệnh viện dã chiến đầu tiên.

Nhìn chung, các cơ sở y tế tại Thuỵ Điển thông báo thiếu thiết bị, song chưa rơi vào tình trạng quá tải như ở Italy và Tây Ban Nha..

Bà Söderberg hy vọng chính phủ Thuỵ Điển thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ở phần còn lại của đất nước. “Đối với Stockholm đã là quá muộn song còn có các vùng khác của đất nước. Để thắng trong cuộc chiến này, chúng ta cần phải nhanh hơn virus. Thuỵ Điển đã để lỡ quãng thời gian quan trọng. Đã là quá chậm trễ để tránh tình trạng hỗn độn trong các bệnh viện, song chưa là quá muộn để ngăn chặn một thảm hoạ”, chuyên gia này nhận định.

Công trình nghiên cứu được công bố vào tuần trước trên tập san y học The Lancet với tiêu để “Covid-19: Rút Kinh nghiệm” cho thấy rằng “phản ứng ban đầu chậm chạp ở các nước như Anh, Mỹ và Thuỵ Điển ngày càng được đánh giá là tồi tệ.”

Phát biểu với hãng thông tấn AFP, Bộ trưởng Ngoại giao Thuỵ Điển Ann Linde cho biết bà đã nhận nhiều thắc mắc của những người đồng cấp ở các nước khác về cách ứng phó của Thuỵ Điển, song đó một phần là do thông tin sai lệch. Theo bà, chính phủ Thuỵ Điển có “mục tiêu giống như bất kỳ chính phủ nào khác” song sự khác biệt chính đó là hầu hết các biện pháp của Thuỵ Điển không ràng buộc về mặt pháp lý .

Bà diễn giải, một phần nguyên nhân là do Thuỵ Điển có truyền thống đưa ra các biện pháp dựa trên những tư vấn của hội đồng chuyên gia và các công dân thường có độ tin cậy cao đối với các chính trị gia và các cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại, chính phủ cũng đặt niềm tin vào ý thức trách nhiệm của người dân.

Niềm tin dao động

Tuy nhiên, với số trường hợp nhiễm và tử vong tăng, niềm tin vào các cơ quan có thẩm quyền tại Thuỵ Điển đang thuyên giảm.

Trong một đoạn video được đăng tải trên YouTube, ông Marcus Carlsoon, nhà toán học thuộc Đại học Lund, đã buộc tội chính phủ Thuỵ Điển đang chơi ‘trò cò quay roulette đầy may rủi đối với số phận người dân Thuỵ Điển’.

Ngoài ra, một nhóm 14 nhà khoa học cũng đã viết một bức tâm thư trên báo Dagens Nyheter và đề nghị Cơ quan Y tế Công cộng  thông tin minh bạch hơn và đặt câu hỏi tại sao Thuỵ Điển không hành động mạnh mẽ giống như Anh và các nước châu Âu khác. Bức thư có đoạn: “Dĩ nhiên, các nước khác nhau thì có các điều kiện khác nhau, song chúng tôi thấy thật khó hiểu tại sao cách chống dịch ở Thuỵ Điển lại quá khác biệt so với của Anh”./.

CTV Xuân Hương/VOV.VN

 (Biên dịch) VRT/AFP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *