(kontumtv.vn) – Từ năm 2016, Khánh Hòa bắt đầu thực hiện đào tạo nghề quốc tế theo chương trình của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai. Từ triển khai thí điểm một nghề, đến nay, Khánh Hòa đã mở rộng đào tạo ở 5 ngành nghề, với số lượng đào tạo gần 90 sinh viên. Việc bước đầu triển khai có hiệu quả đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, hứa hẹn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường lao động.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2020, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang tổ chức  Lễ tốt nghiệp cho 22 sinh viên khóa đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc đối với nghề công nghệ thông tin – ứng dụng phần mềm. Đây là khóa tốt nghiệp đầu tiên theo tiêu chuẩn nghề quốc tế tại Khánh Hòa. Sau 3 năm đào tạo, 100% sinh viên đủ điều kiện được tốt nghiệp, trong đó, hơn 60% sinh viên tốt nghiệp xếp loại khá. Đặc biệt, nhiều sinh viên đã có việc làm khi còn trong quá trình học tập. Sinh viên Lê Duy Công, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang nói: “Chương trình có trang bị cho tụi em những kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Nhờ những kỹ năng đó mà tụi em có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Em đã kiếm được việc làm trước khi hoàn thành khóa học và mong muốn của em là có thể tiếp tục học ở nước ngoài”.

Lễ tốt nghiệp cho sinh viên đào tạo thí điểm theo chương trình của Úc
Lễ tốt nghiệp cho sinh viên đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc

Đào tạo thí điểm thành công, năm học này, Khánh Hòa tiếp tục triển khai đào tạo thêm 4 ngành nghề quốc tế được chuyển giao từ Cộng hòa Liên Bang Đức tại hai cơ sở đào tạo nghề trọng điểm của tỉnh là Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang. Bốn ngành nghề được chuyển giao đào tạo thí điểm tiếp theo tại Khánh Hòa gồm kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị lễ tân, công nghệ ô tô và điện công nghiệp. Theo đánh giá của các cơ sở đào tạo nghề, việc tham gia chương trình chuyển giao đào tạo nghề từ Cộng hòa Liên bang Đức được đánh giá là một bước ngoặt lớn đầy thách thức và cơ hội. Bởi hiện nay, Đức được đánh giá là một nước có hệ thống giáo dục nghề nghiệp tốt nhất thế giới. Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết: “Tiếp nối việc triển khai đào tạo nghề quốc tế thì đến nay nhà trường cũng được Bộ Lao động, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lựa chọn để tiếp tục đào tạo hai nghề chuyển giao từ bộ chương trình đào tạo của Đức. Trải qua 3 năm đào tạo thì việc triển khai rất hiệu quả trong suốt quá trình đào tạo”.

“Theo chương trình hợp tác đào tạo với chúng tôi, sinh viên của các bạn sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận 2 bằng chứng nhận tốt nghiệp tương ứng với trình độ cao đẳng của Việt Nam và của Đức. Đồng thời thêm một chứng chỉ tiếng Anh B1 quốc tế. Vì thế sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt yêu cầu của một lao động 4.0; có thể tự tin tham gia thị trường lao động quốc tế”. Bà Susann Kohler, chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức nói.

Một trong những cái khó hiện nay mà các cơ sở đào tạo nghề gặp phải là việc tìm kiếm các doanh nghiệp có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để hợp tác liên kết đào tạo. Bởi, ngoài số giờ đào tạo gấp đôi chương trình đào tạo cùng bậc tại Việt Nam, thì theo yêu cầu của khung chuyển giao; trong 3 năm đào tạo, hơn 70% thời gian sinh viên phải được học tập và thực hành tại doanh nghiệp. Do đó, có thể thấy vai trò của doanh nghiệp đồng hành cùng cơ sở đào tạo nghề sẽ quyết định rất lớn đến chất lượng đầu ra. Một tín hiệu đáng mừng, là trước nhu cầu “ khát” nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, nhiều doanh nghiệp cũng khá mặn mà với việc bắt tay khởi động chương trình hợp tác cùng với nhà trường. Ông Hoàng Văn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư V.A EKATERINBURG cho biết: “Doanh nghiệp có một bộ phận giảng viên để hướng dẫn cho học viên thực hành. Mà giảng viên của doanh nghiệp đã từng học ở nước ngoài và đã từng làm việc ở các tập đoàn lớn, đã có kinh nghiệm, chuyên môn để hỗ trợ cho sinh viên sau này”.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 17.000 lao động. Trong đó, hơn 30% là nguồn lao động có trình độ, chất lượng tay nghề cao. Do đó, việc triển khai thí điểm thành công một số ngành nghề theo chuẩn quốc tế, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động; rút ngắn hoặc bỏ qua thời gian “đào tạo lại” khi lao động được doanh nghiệp tuyển dụng.

Diệu An – Minh Đức – Thành Huế

Đài PT-TH Khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *