(kontumtv.vn) – Ngày 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ ba, các đại biểu tham gia thảo luận các văn kiện trình Đại hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.

Trong ngày, các đại biểu đã thảo luận và làm rõ nhiệm vụ củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, thực hiện khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Báo cáo Chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tham luận với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội”; đồng thời khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho những thành công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, qua thực tiễn hoạt động, Mặt trận các cấp đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: “Thứ nhất, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ hai, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thứ ba, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, Mặt trận phải thường xuyên đổi mới phù hợp với thực tiễn. Thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết; đấu tranh có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tham luận về chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, một trong những khía cạnh thể hiện sự thịnh vượng, phồn vinh của một quốc gia là nền tài chính quốc gia, bao gồm tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tổ chức và tài chính dân cư. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm kỳ vừa qua, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp quyết định vào thành quả phát triển của đất nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, để đạt được mục tiêu chiến lược 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025, ngành Tài chính sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: “Chúng tôi thống nhất cao với nhận định trong Báo cáo Chính trị về tình hình thế giới và đất nước những năm tới. Chúng tôi cho rằng bên cạnh những thuận lợi cơ bản về ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, nền kinh tế năng động, phát triển, thì trong giai đoạn tới chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đó, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính xác định, nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế cùng với cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia”.

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu đã nghe các bài tham luận của Ban Dân vận Trung ương về “Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”; Ban cán sự Đảng TAND tối cao tham luận với chủ đề “Phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”; Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Phát triển kinh tế tri thức – Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ Thành phố Hồ Chí Minh”;  Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận “Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, các đại biểu cũng đã thảo luận, nêu rõ vị trí chiến lược quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua một ngày thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều thống nhất cao với các nội dung văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta sẽ hiện thực hóa khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *