(kontumtv.vn) – Cách đây 45 năm, ngày 25/4/1976, hơn 23 triệu cử tri trên cả nước đã nô nức tham gia ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu thắng lợi của đất nước ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước.

Kể về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất và cũng là ngày bầu cử Quốc hội khóa VI ngày 25/4/1976, bà Y Xuôi, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum vẫn có những cảm xúc khó tả vì đây là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: “Năm 1976 là tổng tuyển cử Quốc Hội trong điều kiện đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập. Đó là thể hiện ý chí của nhân dân và sau này đó là cơ sở để nhân dân tiếp tục phát huy quyền làm chủ của mình. Nó thể hiện một ý chí thống nhất của 2 miền Bắc  Nam trước đây khi bị chia cắt”.

Sau ngày 30/4/1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất và cùng thực hiện một nhiệm vụ là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chính quyền các cấp có HĐND và Ủy ban hành chính. Ở miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; UBND Cách mạng ở địa phương. Do đó, Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất vào ngày 25/4/1976 cũng là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành trên phạm vi cả nước sau 30 năm, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, trở thành một trong những mốc son lịch sử cách mạng nước nhà và là kết quả thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bà Y Xuôi, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết: “Nhân dân 2 miền đã thống nhất, độc lập thì rõ rằng cái việc mà thuận lợi, cái trách nhiệm một ý chí để bầu cử HĐND và Quốc hội nó đạt được kết quả hơn và nhân dân tiếp tục phát huy quyền làm chủ của mình, để đại diện bầu những người có trách nhiệm, những người có tài, có đức, có khả năng ở trong cơ quan quyền lực trong Quốc hội và HĐND các cấp”.

45 năm trước, sau ngày thống nhất đất nước, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1976 đã thành công rực rỡ, trở thành tiền đề cho các cuộc bầu cử toàn dân của đất nước sau này. Và 45 năm sau, trong những ngày cuối tháng 4, cử tri cả nước cũng đang háo hức chuẩn bị cho một ngày hội toàn dân sẽ diễn ra trong tháng 5 tới. Đây là ngày hội để tất cả cử tri lựa chọn, bầu những đại biểu ưu tú tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là HĐND tỉnh. Ông Lê Tùng Lâm, cử tri tổ dân phố 1, Phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum xúc động nói: “Trong tâm tư, nguyện vọng của cử tri thì có thể nói rằng là được cầm lá phiếu để trực tiếp bầu các đại biểu Quốc hội cũng như HĐND các cấp thì đó là một niềm tự hào của người dân. Trách nhiệm của cử tri đối với xã hội, với nhà nước khi mà mình lựa chọn, mình bầu những đại biểu đủ tài, đủ đức để phục vụ cho chính mình”.

UBMTTQ Việt Nam tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao nhiệm vụ là cơ quan hiệp thương chọn các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tại tỉnh Kon Tum, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, toàn tỉnh đã lựa chọn, thống nhất danh sách 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 85 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh và hơn 4.700 người ứng cử đại biểu cấp huyện, xã, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông Thao Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đang tăng cường phổ biến thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; đồng thời tuyên truyền, vận động toàn thể cử tri thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của người công dân Việt Nam: “Đó là vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân với đất nước. Đất nước ta là đất nước của dân, do dân và vì dân. Thế thì ngày bầu cử là ngày ý nghĩa to lớn, là ngày bầu ra cơ quan quyền lực đất nước mà do người dân bầu ra cho cơ quan quyền lực của đất nước mình. Là gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của người dân vào những đại biểu của mình. Đó là ý nghĩa sức quan trọng để gánh vác sự nghiệp của đất nước”.

Kế thừa truyền thống của ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976 – 25/4/2021), Quốc hội nói chung và các đại biểu Quốc hội nói riêng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *