(kontumtv.vn) – Một thời gian dài, những hủ tục, phong tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của những thế hệ người dân ở xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei, là rào cản phát triển kinh tế – xã hội và gây mất đoàn kết trong cộng đồng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những hủ tục, phong tục lạc hậu đang dần được xóa bỏ, cuộc sống mới nơi vùng biên từng ngày khởi sắc.

Trong ký ức của già làng A Tong ở thôn Đăk Boók, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, những hủ tục, phong tục lạc hậu như tục cõng củi; ốm đau nhờ đến thầy cúng, thầy mo và cúng trâu, bò; người chết xấu không chôn cất; tục kiêng kị khi có dê, chó, mèo chết hoặc đẻ trong kho lúa… diễn ra thường xuyên trong thôn. Điển hình năm 2019 khi có người trong thôn đi làm rẫy không may chết do nổ mìn, bà con trong thôn không một ai đến thăm viếng. Già làng A Tong nhớ lại: “Hủ tục hồi xưa của ông già thì làm nhiều chuyện lắm, cúng bò cũng có, trâu cũng có. Con dê của nhà bố mà nó đẻ chỗ nhà họ thì bắt đền nhà bố này. Bắt đền phải đưa ché hồi xưa, còn phạt thêm mình nữa.”

Những hủ tục, phong tục lạc hậu đó chính là rào cản phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, do người dân tốn nhiều chi phí và thời gian khi thực hiện các hủ tục, phong tục lạc hậu là một nguyên nhân dẫn đến nghèo đói. Bên cạnh đó, còn gây ra tình trạng mất đoàn kết trong cộng đồng thôn. Già làng A Tài ở thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei cho hay: “Đó là ảnh hưởng thật, như mình nuôi được một con trâu thì thầy cúng bảo con trâu đó cắn, húc thì thịt con trâu đi. Thôi lỗ quá mua mấy chục tấm dồ đôi mà thịt. Khổ lắm! Không có lợi cho mình gì hết, càng làm thịt càng nghèo.”

Xã Đăk Plô có 444 hộ, gần 100% người dân tộc Giẻ Triêng sinh sống. Từ ngày có Bộ đội Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, những hủ tục, phong tục lạc hậu dần được loại bỏ, người dân từng bước thay đổi suy nghĩ, không thực hiện nhiều những hủ tục, phong tục như trước. Tiên phong trong số đó là những đảng viên, già làng, người có uy tín trong thôn, mặc dù trong quá trình tuyên truyền, vận động gặp không ít khó khăn. Trung úy A Dưa – Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Đăk Plô cho biết khi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu có một số bà con không hợp tác, lấy lý do không hiểu tiếng phổ thông…Trước khó khăn này, là người địa phương tại chỗ, Trung ý A Dưa đã dịch lại nội dung tuyên truyền bằng tiếng Giẻ Triêng cho bà con hiểu và nắm được để từ đó thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên còn một số người dân vẫn duy trì, nhất là những người cao tuổi, bởi hủ tục, phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức và họ vẫn tin tưởng vào kết quả của việc thực hiện các hủ tục, phong tục.

Đặc biệt, sau khi Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang làm việc với Đảng ủy xã Đăk Plô vào tháng 4, năm 2021, việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu ở xã biên giới Đăk Plô đã được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt hơn. Trên cơ sở Kết luận của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đăk Glei đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy xã Đăk Plô tập trung thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh” và Cuộc vận động “Phụ nữ Đăk Glei không sinh con thứ 3”. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của những cán bộ, đảng viên, người có uy tín để người dân thực hiện theo.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân ở xã biên giới Đăk Plô đã từng bước chuyển biến từ nhận thức đến hành động, các hủ tục, phong tục như cõng củi, người chết xấu không chôn cất, tục kiêng kị khi có dê, chó, mèo chết hoặc đẻ trong kho lúa… dần được xóa bỏ. Hiện đã có 421/444 hộ gia đình tự nguyện ký cam kết thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Ông A Lek ở thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô chia sẻ: “Xóa những cái đó thì giúp cho bà con làm kinh tế, nhất là trâu, bò trước đây bảo trâu, bò cắn người này kia thì cúng bái bằng trâu, bằng bò rất là lỗ. Bây giờ xóa cái đó thì để chăn nuôi trâu, bò để có kinh tế, buôn bán lấy tiền để cải thiện đời sống cho gia đình mình.”

Xác định xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài nên Huyện ủy Đăk Glei luôn quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để Đảng ủy xã Đăk Plô tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025 giảm trên 80% các hủ tục, phong tục lạc hậu trên địa bàn xã. Điều đó cho thấy, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Ông A Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei nhấn mạnh: “Riêng đối với xã Đăk Plô thì Ban Thường vụ huyện ủy thường xuyên phân công các đồng chí Ban Thường vụ phụ trách địa bàn xã và các đồng chí cấp ủy phụ trách địa bàn xã này phối hợp với các đồng chí đồn biên phòng thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ dân, đặc biệt là những hộ dân mà có người lớn tuổi, bởi vì đây là người ta còn theo những hủ tục trước đây.”

Với sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, cuộc sống của người dân tộc Giẻ Triêng ở xã biên giới Đăk Plô đang từng bước đổi thay, bà con chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống. Những kết quả đó cho thấy sự đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, để các hủ tục, phong tục lạc hậu thực sự không còn là rào cản phát triển kinh tế – xã hội./.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *