(kontumtv.vn) – Ya Tăng là một trong những xã vùng DTTS đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy. Thời gian qua, thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gắn với xây dựng các mô hình cụ thể. Từ các mô hình này góp phần thay đổi phương thức sản xuất cho Nhân dân.

Với khát vọng vươn lên làm giàu, sau khi được địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ giống sầu riêng, anh A Lứi ở làng Trấp, xã Ya Tăng chuyển đổi 3 sào đất trồng mỳ hiệu quả thấp sang trồng cây sầu riêng. Anh đã tích cực học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc để nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh A Lứi nói: “Thời truyền thống ngày xưa trồng sâu lắm, bây giờ nghe cán bộ hướng dẫn không trồng sâu, trồng sầu riêng trồng bồn như này, sầu riêng ở trên cao lấy đất ở xung quanh tủ hết xung quanh. Làm như vậy nước mưa, nước mình tưới không bị úng, sầu riêng tốt. Mình mong muốn từ cây sầu riêng làm giàu được, không chỉ một mình mà còn phải đưa ra cho dân làng của mình để dân làng biết được điều đó để dân làng phát triển.”

Cũng ở làng Trấp, cách đây 3 năm việc chăn nuôi bò của gia đình bà Y Pha mất rất nhiều thời gian, công chăm sóc. Nhờ được tuyên truyền hướng dẫn, hiện gia đình bà áp dụng phương pháp chăn nuôi bò nhốt chuồng. Đồng thời kết hợp với diện tích đất vườn trồng cỏ voi và dự trữ thêm rơm rạ sau thu hoạch làm nguồn thức ăn. Nhờ vậy, vợ chồng bà có thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi bò. Bà Y Pha phấn khởi nói: “Tôi bây giờ nuôi bò sướng rồi, không vất vả như ngày xưa, ngày xưa đi chăn bò rất vất vả, mệt mỏi. Bây giờ ở nhà làm việc khác, trồng cỏ, cho ăn trong vườn nhà thôi, mình quét dọn chuồng. Một năm thu gần 70 – 80 triệu đồng, ít thì 50 – 60 triệu đồng.”

Đây là 2 trong số rất nhiều mô hình được xã Ya Tăng triển khai thực hiện để cụ thể hóa cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà Y Loan, Chủ tịch UBMTTQVN xã Ya Tăng cho biết: “Trên địa bàn xã Ya Tăng xây dựng 3 mô hình lớn cải tạo vườn tạp, nuôi heo sọc dưa và trồng rừng. Sau khi có kế hoạch phân công cho từng hội viên, các ban ngành đoàn thể, đối với mặt trận trong BCĐ phân công từng tổ phụ trách từng thôn làng. Hàng tuần thứ 5, thứ 6 tổ chức đi giám sát, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn nhân dân thực hiện hiệu quả cuộc vận động này.”

Nhờ cụ thể hóa các chỉ tiêu thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm bằng những mô hình cụ thể, giúp nhiều hộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ya Tăng vươn lên thoát nghèo. Đến nay có hơn 200 hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Qua các mô hình cụ thể, người dân thay đổi cách thức sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm đạt 100% Nghị quyết đề ra. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2023 đạt trên 34 triệu đồng, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra./.

                                                CTV Trang Nhung – Diệp Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *