(kontumtv.vn) – Nhằm giúp nhân dân, nhất là người DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất nông nghiệp một cách khoa học, đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Kroong, thành phố Kon Tum tổ chức triển khai sâu rộng đến tận các thôn, làng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân trồng cây mắc ca. Đồng thời phân công, gắn trách nhiệm phụ trách chăm sóc cụ thể đến từng thành viên Tổ chỉ đạo, hộ gia đình.

Thực hiện chương trình hỗ trợ cây giống mắc ca cho các hộ người DTTS, xã Kroong có 48 hộ được Nhà nước hỗ trợ hơn 2.500 cây giống. Qua công tác tuyên truyền của chính quyền xã và tìm hiểu thông tin về loại cây này, một số hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca. Đã có 12 hộ dân trên địa bàn xã tự mua giống về trồng gần 1.000 cây. Trong đó, gia đình ông A Ten ở thôn Kroong Klah mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca. Ông A Ten cho biết: “Mình bỏ tiền mua hơn 300 cây, số tiền 22 triệu 600 ngàn đồng. Trồng thêm diện tích là 1 ha. Hi vọng là phải thu hoạch và sau này có hiệu quả cho gia đình, có kinh tế phát triển cho gia đình.”

Mắc ca là loại cây lâu năm, có thể cho thu hoạch hơn 60 năm, thân của cây mắc ca còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. Trong 3 đến 4 năm đầu khi mắc ca chưa khép tán, có thể trồng xen canh nhiều loại cây hoa màu, cây ngắn ngày hoặc trồng xen trong diện tích cây công nghiệp vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích. Với lợi thế này, xã đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách đi từng hộ, thông báo trên loa của thôn để vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca.

UBND xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân nên trồng cây mắc ca xen canh, cải tạo vườn tạp và trồng mới cây mắc ca trên diện tích đất đảm bảo gần nguồn nước thuận tiện cho việc chăm sóc; tổ chức Hội thảo giới thiệu về cây mắc ca, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc; đồng thời phối hợp tổ chức cho nhân dân tham quan các mô hình trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết thêm: “Đối với địa phương cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo trồng và phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Bên cạnh đó, phân công cụ thể cho từng đồng chí trong tổ chỉ đạo phụ trách từng hộ cụ thể để theo dõi, nắm bắt, hướng dẫn cho bà con cách trồng và chăm sóc và theo dõi, thống kê, tổng hợp, báo cáo hàng tháng. Hiện nay chúng tôi đang trồng khảo nghiệm và diện tích trồng khảo nghiệm đang phát triển rất tốt.”

Đến nay, người dân trên địa bàn xã trồng gần 14 ha cây mắc ca. Sau một thời gian trồng thử nghiệm cho thấy cây mắc ca rất phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng, tỷ lệ sống gần 100%. Trong giai đoạn 2021-2030, xã sẽ vận động người dân trồng mới 30 ha cây mắc ca, đồng thời, xây dựng chính sách đặc thù về phát triển cây mắc ca trên vùng đất kém hiệu quả. Đây là định hướng phát triển kinh tế cho người dân tại xã Kroong, đặc biệt là người dân tộc Bahnar trên địa bàn./.

CTV Vi Phong – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *