(kontumtv.vn) – Ngày 24/02/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kết luận 08 về triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Sau 02 năm đẩy mạnh thực hiện Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về triển khai Cuộc vận động, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.

Nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng trên 54%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo thống kê toàn tỉnh còn hơn 11%; trong đó, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 90% tổng hộ nghèo của tỉnh. Kết quả này phản ánh một thực tế là dù tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể qua các năm nhưng công tác giảm nghèo còn chưa đồng đều và bền vững khi số hộ nghèo chủ yếu rơi vào hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đây, một yêu cầu bức thiết đặt ra, đó là phải có một giải pháp căn cơ, đồng bộ và cụ thể hơn nữa để nâng cao thu nhập, thay đổi toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội trong đời sống bà con dân tộc thiểu số. Vì vậy, một cuộc vận động lớn sau hơn 30 năm thành lập lại tỉnh Kon Tum đã được phát động và triển khai trên phạm vi toàn tỉnh bắt đầu từ cuối tháng 04/2021 với mục tiêu “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Xuất phát từ tình hình thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Kết luận số 08 về chủ trương triển khai Cuộc vận động với mong muốn giúp đỡ người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có đời sống tinh thần, vật chất ngày một được cải thiện và nâng cao góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Với ý nghĩa đó, việc ban hành và triển khai Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác triển khai và tổ chức thực hiện.”

Ông Phạm Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hồi cho biết cùng với Nghị quyết số 23, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Kết luận 08 của Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy công cuộc đổi mới của địa phương trong bối cảnh hiện nay. Ông Phạm Hải Châu nhấn mạnh: Cuộc vận động này ta xác định không thể một sớm, một chiều, không thể nóng vội mà phải thực hiện từng bước để thấm dần trong từng cán bộ, đảng viên, từng cấp ủy phải chỉ đạo các chi bộ cơ sở hàng tháng, hàng quý trong sinh hoạt phải có sự đánh giá, chỉ đạo về nội dung này. Mặt trận, đoàn thể từ cơ sở phải đưa vào đưa vào kế hoạch công tác, ký kết giao ước thi đua, ký kết giao ước phối hợp với chính quyền để rồi tổ chức triển khai thực hiện.”

Tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, việc đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động thông qua xây dựng những mô hình điểm, tiêu biểu đã giúp bà con từng bước tiếp cận tư duy sản xuất mới. Đơn cử như huyện Sa Thầy có mô hình chăn nuôi heo sọc dưa thu hút trên 100 hộ người dân tộc thiểu số tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 4 heo giống, điều kiện là các hộ phải có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn. Việc thực hiện cam kết giữa hộ nuôi và chính quyền địa phương càng củng cố, thúc đẩy thêm quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế của các gia đình. Cũng từ đây, những mô hình sản xuất hiệu quả tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo nên phong trào thi đua lao động giữa chính các nhóm hộ nghèo với nhau.

Từng là hộ có điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, chị Y Thu, dân tộc Giẻ – Triêng ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi nhận thức rằng, muốn vượt lên cái nghèo, không gì khác ngoài con đường nỗ lực sản xuất. Biết được mô hình chăn nuôi heo sọc dưa của hội viên phụ nữ xã Đăk Dục đạt hiệu quả kinh tế cao trong những năm qua, chị chủ động liên hệ để xin tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và mua con giống đảm bảo yêu cầu. Chị Thu cho biết, sau hơn 02 năm nhân đàn, số lượng heo nuôi của gia đình ngày một tăng và từng bước đem lại thu nhập ổn định: “Trước kia, tôi nuôi heo là chăn thả, xong rồi xem thấy mấy cái mô hình mấy anh chị nuôi trước là tôi quyết định làm chuồng để nuôi nhốt. Tôi thì vốn nó cũng không nhiều nhưng mà vốn thì có sẵn, làm ít dần từ 02 phòng bên kia xong rồi dần dần lại làm thêm bên này. Trong 01 lần đẻ là tôi xuất được 02-03 con. Trong số tiền đó là để dùng vcuộc sống trang trải hàng ngày lo cho con cái mua bút, sách vở rồi chi phí trong nhà.”

Sau gần 02 đẩy mạnh thực hiện Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã có trên 12.300 hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; hơn 13.600 hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư lao động; gần 11.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện với mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, thông qua công tác tuyên truyền, công tác xây dựng mô hình điểm và triển khai các nội dung khác của Cuộc vận động, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất. Nhiều thôn làng đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường.

Tin tưởng rằng, với sự thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, quyết tâm, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, Cuộc vận động không chỉ đi sâu vào thực tiễn mà còn trở thành kim chỉ nam cho công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *