(kontumtv.vn) –  Sau 32 năm thánh lập lại tỉnh, từ một địa phương có xuất phát điểm thấp với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 54%, đến nay tỉnh Kon Tum có bước chuyển mình mạnh mẽ. Biểu hiện rõ nhất là đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn ngày một cải thiện, thu nhập từng bước nâng cao, diện mạo nông thôn mới đổi khác từng ngày.  

Đến nay, tỉnh Kon Tum có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đáng chú ý có 6/13 xã biên giới đã về đích nông thôn mới. Đơn cử như xã Ia Dom ở huyện biên giới Ia H’Drai, một trong 03 huyện nghèo của tỉnh. Trong 02 năm trở lại đây, xã Ia Dom tiếp tục là địa phương dẫn đầu huyện về phát triển các mô hình sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện, nhất là trong công tác giảm nghèo. Nổi bật trong năm vừa qua, với kết quả giảm trên 20% hộ nghèo, huyện Ia H’Drai trở thành địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh. Trong các giải pháp được đưa ra, cùng với tạo mọi điều kiện để hộ nghèo vay vốn tín dụng chính sách, cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tích cực khuyến khích các hộ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển những mô hình sinh kế phù hợp. Hộ anh Lương Văn Thắng, dân tộc Mường ở thôn 01, xã Ia Dom là một ví dụ. Tranh thủ khoảng thời gian nhàn rỗi sau mỗi buổi khai thác mủ cao su trên nông trường, anh Thắng chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi nhím và heo sọc dưa, từ đó, nhân đàn qua các năm. Anh mạnh dạn đầu tư ao thả cá và trồng trọt các loại cây cho hiệu quả kinh tế. Hiện nay, ở tuổi 33, vợ chồng anh Thắng có được cơ ngơi khang trang với nguồn thu nhập ổn định gần 500 triệu đồng mỗi năm. Anh Thắng chia sẻ: “Tôi lên đây nói chung cũng vì hoàn cảnh gia đình của tôi dưới quê là cũng khó khăn, đất đai cũng thiếu thốn với vợ cũng mới cưới. Có tác động của chính quyền địa phương đi tuyển công nhân cao su ở đây nên tôi bàn bạc với vợ thôi 2 vợ chồng lên trên này làm ăn. Bước đầu lên trên này cũng rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất đang chưa có gì hết. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội và bạn bè anh em, tôi có biết đến cái mô hình. Từ đấy tôi bắt đầu xây dựng từ từ”

Cùng với khởi sắc về nông thôn mới, sau 32 năm thành lập lại tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt trên 50 triệu đồng, gấp hơn 18 lần so với năm 2001. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính, với dân số hơn 610 ngàn người và phát triển 02 vùng kinh tế động lực là thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông, với thế mạnh dược liệu, du lịch và nhóm ngành dịch vụ-thương mại khác… Ông Châu Văn Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết, những thế mạnh này đang từng bước giúp bà con người dân tộc thiểu số ở các thôn, làng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống: “Ở địa bàn thị trấn, trọng tâm là phát triển du lịch. Hiện nay, thị trấn có 6 thôn, 4 tổ dân phố. Thì tổ dân phố đây làm dịch vụ du lịch rất tốt nên giờ đang tập trung 6 thôn để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập, thoát nghèo bền vững. Định hướng của huyện và quy hoạch của thị trấn thì hiện nay, du lịch cộng đồng du khách rất thích, thứ 2 là đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển du lịch, thứ 3 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hết sức quan trọng.”

Tiếp tục tạo sức bật về phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo hiệu quả, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kết luận 08 về triển khai một cuộc vận động lớn, đó là “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Sau 02 năm thực hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 12.300 hộ người dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; hơn 13.600 hộ người dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất; gần 11.000 hộ người dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, với mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân tộc thiểu số trong tỉnh; gần 3.600 hộ người dân tộc thiểu số tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Về chủ trương triển khai cuộc vận động trong thực tiễn đời sống, bà Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi nhấn mạnh: “Trong thời gian này, chúng ta đang thực hiện cuộc vận động đó là làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ai, của chúng ta, đó là của đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta, thay đổi cái nếp nghĩ, hành động để mà chúng ta có thể vươn lên thoát nghèo, giúp cho xã nhà mình trong vấn đề hiện nay là công cuộc xây dựng xã nông thôn mới. Bây giờ đạt nông thôn mới rồi nhưng lại thôn kiểu mẫu này, xã kiểu mẫu này, cho nên chúng ta cứ phải phấn đấu, không được ngừng phấn đấu.”

Kế thừa và phát huy kết quả đạt được trên các mặt, lĩnh vực đời sống sau 32 năm thành lập lại tỉnh, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 03 lĩnh vực đột phá. Từng mục, từng lĩnh vực đều có những chỉ tiêu cụ thể để các cấp ngành, địa phương phấn đấu thực hiện. Sự chung sức, đồng lòng của toàn quân, toàn dân đi kèm với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị tiếp tục là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *