(kontumtv.vn) – Sau gần 3 năm thực hiện Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay huyện Ngọc Hồi xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.

Thôn Cao Sơn, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi có gần 300 hộ dân, trong đó chủ yếu là người DTTS Tày, Mường. Thôn là một điểm sáng về thực hiện tốt công tác dân vận trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ đó, người dân hiểu và đồng lòng đóng góp xây dựng đường giao thông, thiết chế văn hóa; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su. Đến nay, diện mạo có nhiều thay đổi, năm 2022 thôn được công nhận là thôn nông thôn mới.

Bà Bùi Thị Diễm Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Sa Loong cho biết để nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, cán bộ Mặt trận xã trực tiếp xuống các thôn, làng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, phối hợp với các ban, ngành tìm giải pháp kịp thời hỗ trợ hộ người DTTS khó khăn do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức làm kinh tế. Với cách làm này, mô hình điểm hiệu quả của xã là nuôi bò sinh sản và xóa nhà tạm. Từ năm 2021 đến năm 2022 xã xóa 94 căn nhà tạm; trong đó có 60 hộ người DTTS tích lũy vốn, đăng kí tự xóa nhà tạm. Điển hình như gia đình ông Xa Văn Đoàn từ tỉnh Hòa Bình vào Kon Tum lập nghiệp năm 1991. Năm 2019 ông mạnh dạn vay vốn hơn 100 triệu đồng để san ủi lại hơn 2ha trồng cà phê. Nhìn diện tích cà phê tốt tươi như hiện nay ông nhận thấy việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất rất quan trọng. Hiện cà phê cho thu hoạch năm thứ 2, mang về cho gia đình hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Đoàn chia sẻ:Nếu giả sử tôi không dám nghĩ dám làm khu này không thành cái vườn cà phê đâu. Tôi quyết tâm với con cái phải vay bằng được ngân hàng đầu tư vào chỗ này, từ năm tôi thay đổi nếp nghĩ cách làm, dám nghĩ dám làm, đến bây giờ so với trước thì gia đình tôi có của ăn, của để.”

Triển khai Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, huyện Ngọc Hồi chú trọng hỗ trợ hộ người DTTS thoát nghèo nhờ chăn nuôi. Năm 2022, gia đình chị Y Hiền ở thôn Nông Nhày 2, được Hội LHPN xã Đăk Nông hỗ trợ 3 triệu đồng mua một cặp heo giống phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ, áp dụng đúng kỹ thuật được hướng dẫn, đến nay gia đình phát triển đàn lên gần 20 con. Ngoài ra, gia đình còn cung cấp heo giống, heo thịt phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn. Hơn 1 năm qua, anh chị thu trên 50 triệu đồng/năm từ việc bán heo. Ông Trương Quang Trung – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đăk Nông cho biết: “Qua 2 năm thực hiện lúc đầu cũng có nhiều khó khăn, nhiều mô hình cũng không đem lại hiệu quả, chưa thực sự giảm nghèo. Sau đó, sơ kết hai năm ngồi lại để bàn bạc, rút kinh nghiệm thì Thường trực, các ngành đoàn thể quyết định tập trung vào các mô hình kinh tế như nuôi heo sọc đen. Hiện nay, trên địa bàn xã Đăk Nông, Mặt trận đoàn thể đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.”

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, các ban ngành, đoàn thể xã còn tập trung tuyên truyền, vận động bà con người DTTS xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Hiện nay, 90% số hộ trên địa bàn xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, huyện Ngọc Hồi xây dựng được được 105 mô hình với 742 hộ người DTTS tham gia. Đến nay, có hơn 500 hộ nghèo, cận nghèo người DTTS biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; bỏ dần hủ tục, tự vươn lên thoát nghèo./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *