(kontumtv.vn) – Xác định phát triển kinh tế tập thể có vai trò quan trọng góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, huyện Đăk Hà luôn chú trọng phát triển các hình thức kinh tế tập thể, thu hút nhiều hộ người DTTS tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã.

Ông A Lâm là hộ người dân tộc thiểu số đầu tiên trên địa bàn xã Ngọc Réo tham gia Hợp tác xã Trọng Phát. Được tiếp cận khoa học, kỹ thuật qua các lớp tập huấn cùng nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình mạnh dạn chuyển đổi gần 1,5 héc ta đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng cây cà phê. Để cây cà phê phát triển tốt gia đình luôn chú trọng từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, tỉa cành tạo tán. Nhờ vậy vườn cây phát triển tốt, trung bình 1.600 cây cà phê cho sản lượng gần 15 tấn cà phê tươi mỗi năm. Sau khi trừ chi phí, năm 2023 gia đình thu về gần 100 triệu đồng. Ông A Lâm cho hay: “Lúc trồng mì lúc đó HTX nói bà con trồng cà phê đi, cà phê có lợi nhuận cao hơn cây mì, lúc đó thì ai tin đâu. Cây mì 1 năm nhổ chưa được thì để 2 năm trong vườn này chỉ thu 1 đến 2 triệu đồng chứ mấy. HTX xuống bảo là mình trồng cà phê hướng dẫn đến bây giờ, cây nó tốt, trồng cà phê khác một trời một vực luôn.

Với số vốn tích luỹ cùng định hướng của hợp tác xã, đầu năm 2023 gia đình ông A Lâm mua bò giống 3B về chăn nuôi. Với hình thức nuôi có chuồng trại, ngoài việc hạn chế tình trạng lây lan các bệnh truyền nhiễm, còn tận dụng nguồn phân chăm sóc cho cây cà phê. Để chủ động nguồn thức ăn, gia đình trồng thêm cỏ voi, mua thêm rơm dự trữ và tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh. Anh Nguyễn Thái Trọng – Chủ nhiệm HTX Trọng Phát cho biết: “Những thành viên HTX mà làm có hiệu quả họ cũng rất nhiệt tình tuyên truyền cho những hộ xung quanh trong làng, trong thôn gọi là cánh tay nối dài của HTX.

Trên lộ trình xây dựng xã Nông thôn mới, xã Đăk Ui luôn chú trọng thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững. Năm 2021, hợp tác xã Kim Phước Quý được thành lập với thành viên là các hộ người DTTS cùng hướng đến mục tiêu liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao đời sống cho nông dân. Để hợp tác xã phát huy hiệu quả, các thành viên tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan những mô hình hay, cách làm kinh tế hiệu quả để dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất.

Đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà thành lập nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết gồm các thành viên là người dân tộc thiểu số, với tỷ lệ tham gia tăng dần qua các năm. Để thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tập thể phát triển, phát huy những tiềm năng lợi thế của địa phương, các xã, thị trấn chủ động hỗ trợ duy trì, nâng cao chất lượng các hình thức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng DTTS. Bà Y Huế – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Ui cho biết: “Hàng năm Hội LHPN xã có tổ chức tuyên truyền đi đến tận mô hình hướng dẫn các thành viên về cách chăn nuôi theo khoa học, ví dụ như phải có chuồng trại, chăm sóc heo khi heo bị bệnh này kia thì phải gọi thú y… Các thành viên phải nâng cao kiến thức để làm sao vận dụng được cho tổ hợp tác mình ngày càng phát triển.”

Với sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng tinh thần chủ động của các cá nhân, tổ chức, việc phát triển các hình thức kinh tế tập thể đang mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn huyện Đăk Hà./.

CTV Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *