(kontumtv.vn) – Năm 2008, tỉnh Kon Tum triển khai Đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trồng cao su tiểu điền với mục đích là tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho người dân. Hơn 10 năm sau, đổi thay lớn nhất mà Đề án mang lại là ngoài sự phát triển kinh tế trong vùng dân tộc thiểu số, còn một bước tiến quan trọng về tư duy làm kinh tế của người dân.

Năm 2008, anh A Điệp là một trong số những hộ nghèo đầu tiên của thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo đăng ký trồng cao su tiểu điền. Anh cho biết, thời điểm này, cây cao su khá xa lạ với bà con trong thôn. Khi quyết định tham gia đề án, anh được hỗ trợ vay vốn 3 triệu đồng với lãi suất thấp từ Ngân hàng chính sách xã hội mua 300 cây giống. Đến nay, với giá mủ cao su trên 30 ngàn đồng/kg, mỗi ngày gia đình anh có thu nhập đều đặn 500 ngàn đồng. Đây là mức thu nhập cao trong thời điểm hiện nay. Anh A Điệp cho biết: “Nói chung mình cũng tính toán, cao su hồi đó giá không bao nhiêu, mình tính sau này có khi có giá nên gia đình bàn bạc trồng cao su. Hồi đó bên huyện cũng hướng dẫn cách trồng, đào hố, bón phân, cách dùng thuốc, áp dụng kĩ thuật.”

Cách ngôi làng Kon Sơ Tiu không xa là những triền đồi, đám rẫy của thôn  Kon Rôn đến nay cũng phủ một màu xanh thắm của cây cao su. Người dân ở đây, gọi cây cao su là cây thoát nghèo. Năm 2008, chủ trương phát triển cao su tiểu điền triển khai ở thôn Kon Rôn gặp khó khăn do người dân chưa có kinh nghiệm trồng loại cây này. Để giải quyết bài toán về kỹ thuật, nhiều lớp tập huấn được mở về tận thôn, làng. Ngoài hỗ trợ nhau công lao động, các chị em phụ nữ là thành viên của tổ đổi công thôn Kon Rôn còn trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su. Từ số lượng ít ỏi ban đầu, đến nay, diện tích cao su của thôn đạt trên 30 hecta. Chị Y Xoái, Chủ tịch HLHPN xã Ngọk Réo cho biết thêm: “Các hội viên tiếp cận các chủ trương chính sách pháp luật nhà nước và khoa học kĩ thuật, được học nghề từ đó nhận thức nâng lên. Trước đây, bà con thường trồng mỳ nhiều năm liền, đất dai cằn cỗi bạc màu nên chuyển đổi từ trồng mỳ sang cây có giá trị kinh tế cao hơn như cao su, bời lời.”

Những người dân ở xã Ngọk Réo cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất để bà con quyết định trồng cây cao su là yếu tố về thời gian cho thu hoạch. Bà con dân tộc thiểu số vốn chỉ quen canh tác các loại cây hoa màu ngắn ngày, nhanh cho thu nhập, trong khi đó, cây cao su phải mất 5 – 7 năm mới cho thu hoạch. Đến khi bà con quyết định trồng, thành quả chưa thấy lại gặp ngay thách thức lớn khi bước vào giai đoạn 2015 – 2016, mủ cao su trượt giá. Nhiều hộ quyết định chặt bỏ vườn cao su, nhưng có rất nhiều hộ vẫn quyết định giữ lại, với niềm tin đây sẽ là chiếc cần câu thoát nghèo trong tương lai. Ông A Điệp ở thôn Kon Sơ Tiu nhớ lại: “Hồi đó rất nhiều hộ nghe giá cao su thấp nên phá trồng cây khác, riêng gia đình tôi nghĩ nếu phá mà giá lên mình không còn cây nữa để thu hoạch, nên không phá, giữ lại thu hoạch.”

Với những nỗ lực không ngừng trong duy trì và mở rộng diện tích, từ 37 hecta ban đầu, đến năm 2012 xã Ngọk Réo có gần 500 hộ gia đình phát triển gần 490 hecta cao su tiểu điền. Đến nay, tổng diện tích cao su trên địa bàn xã đạt gần 880 hecta, tăng hơn 370 hecta so với năm 2016. Từ nền móng đầu tiên tạo lập bởi cây cao su, tư duy của người dân cũng thay đổi, diện tích các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, bời lời bắt đầu được mở rộng, thay thế cho những chân rẫy trồng mỳ bạc màu, năng suất thấp. Ông Nguyễn Đình Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo cho biết: “Người dân dân trên địa bàn xã Ngọc Réo đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số đã nhận thức được cây cao su là cây chủ lực để phát triển kinh tế xã hội. Nhận thức người dân có thay đổi mang lại kinh tế, mạnh dạn đưa kinh phí đầu tư phát triển cây công nghiệp. Hiện nay người dân nhận thức phát triển cây công nghiệp là phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn.”

 Từ Đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trồng cao su tiểu điền có thể thấy, hiệu quả của một chính sách đôi khi không ở ngay trước mắt mà cần sự nhẫn nại và niềm tin của người dân trong một thời gian dài, như chính cách người dân tộc thiểu số ở xã Ngọk Réo đang hưởng thành quả từ cây cao su.

Chung Loan – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *