(kontumtv.vn) – Ở huyện biên giới Sa Thầy, những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân và cũng là giải pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Ở xã Hơ Moong, địa phương đứng thứ 02 của huyện Sa Thầy về diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả, những mô hình chuyển đổi từ cây mỳ hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn đang được nhân rộng trên địa bàn. Đáng mừng là hiện nay đã có nhiều hộ người dân tộc thiểu số ở xã Hơ Moong vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ chuyển đổi thành công mô hình cây trồng. Giữa tháng 6/2022, nhận thấy 01 ha cà phê 15 năm tuổi của gia đình không đem lại thu nhập như kỳ vọng, chị Y Dum và anh A Giỏi ở làng Đăk Yo đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 600 cây cây chanh dây. Loại cây ăn quả này có thể thu một năm 2 – 3 vụ gối đầu. So về công chăm sóc và thị trường tiêu thụ thì lợi hơn cây cà phê rất nhiều. Không chỉ vậy, nhờ đầu tư hệ thống tưới nước tự động và áp dụng đầy đủ kỹ thuật, sản lượng chanh dây của gia đình anh chị đạt năng suất tương đối cao. Từ 04 tấn thu bói ban đầu, sang vụ thứ 02, năng suất chanh dây tăng gấp 04 lần, tương đương 16 tấn. Chị Y Dum cho hay, trong năm vừa qua, vợ chồng anh chị có khoảng thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ mô hình cây chanh dây, sầu riêng và cây mỳ.

Đến nay, cùng với trên 1.800ha cao su, cà phê, xã Hơ Moong đã nhân rộng được trên 400ha cây ăn quả. Riêng chanh dây, trong 02 tháng đầu năm 2023, địa phương trồng mới 22ha. Loại cây trồng này hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con khi thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong khẳng định, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn là giải pháp đang được chính quyền xã đẩy mạnh thực hiện nhằm đưa địa phương về đích nông thôn mới vào cuối năm nay. Ông Mai Nhữ Nam cho biết thêm: “Lồng ghép với thực hiện Kế hoạch 30 của Huyện uỷ là thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã áp dụng rất nhiều mô hình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, bà con nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại chỗ đã có ý thức rất lớn trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi.  Trong đó, cùng 1 diện tích thì thu hoạch được nhiều nguồn tiền hơn, thì bà con đang tập trung chuyển đổi, phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng. Một số diện tích đất có sự phù hợp thì chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, chanh dây, thông hạt.”

Là địa phương có khí hậu khô nóng, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, huyện Sa Thầy tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước tưới và tăng cường vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích có nguy cơ gặp hạn. Từ năm 2021 trở lại đây, trên địa bàn có khoảng 60ha lúa ruộng thiếu nước được chuyển đổi thành công sang trồng rau màu. Ông Phan Lương ở thôn Hoà Bình, xã Sa Nghĩa cho biết, gia đình đã chuyển 03 sào lúa vụ Đông – Xuân sang trồng bắp được 03 năm nay. Mô hình bắp 02 vụ đem lại thu nhập ổn định định từ 7 – 10 triệu/năm. So với lúa nước, cây bắp có giá trị kinh tế cao hơn, chi phí và công chăm sóc lại thấp hơn vì cây bắp 10 ngày mới tưới nước 1 lần, lại ít bị sâu bệnh.

Tính đến 25/03/2023, huyện Sa Thầy còn khoảng 85ha lúa ruộng bị thiếu nước tưới. Chính quyền địa phương đang tích cực vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích này sang trồng bắp và các loại rau màu khác, xem đây là giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *