(kontumtv.vn) – Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Trong đó, gia đình anh Xa Văn Dũng ở thôn Cao Sơn, xã Sa Loong là một điển hình được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của nhà nước, vươn lên thoát nghèo.

Ở thôn Cao Sơn, xã Sa Loong, câu chuyện viết đơn xin thoát nghèo vào năm 2022 của anh Xa Văn Dũng khá đặc biệt. Bởi gia đình làm nông nghiệp, kinh tế chưa mấy khá giả. Anh cho biết, thời gian qua, gia đình được địa phương giúp đỡ nhiều như tặng 1 bò giống phát triển kinh tế và hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà ở. Có căn nhà mới, có hướng làm kinh tế là lúc anh tự tin, muốn nhường sự giúp đỡ, hỗ trợ cho những người khó khăn hơn. Anh Xa Văn Dũng chia sẻ: “Là người thanh niên sức dài vai rộng, thì nghèo mãi cũng không được nên mình quyết tâm vươn lên, cố gắng trong một thời gian cũng vay vốn hỗ trợ của nhà nước. Trồng trọt chăn nuôi, trồng thêm cây giống, cây ăn quả để phát triển kinh tế xong một thời gian thấy ổn định thì viết đơn xin thoát nghèo.”

Phát huy sức trẻ, anh Xa Văn Dũng học hỏi kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh áp dụng trong chăn nuôi. Tận dụng diện tích đất hiện có, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng đầu tư trồng cà phê, cây ăn quả. Qua đó, tạo nhiều nguồn thu nhập giảm ảnh hưởng bởi tình trạng được mùa, mất giá. Hiện nay, vườn cà phê sinh trưởng tốt, trừ chi phí mỗi năm thu về gần 60 triệu đồng. Kinh tế của gia đình ngày càng ổn định.

Việc làm của anh Xa Văn Dũng góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua, tự lực vươn lên phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, cho thấy vai trò đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân trong đời sống và hoạt động sản xuất. Chị Bùi Thị Diễm Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sa Loong cho biết UBMTTQ Việt Nam xã luôn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội vận động các hộ dân, đặc biệt là các hộ ĐBDTTS, các hộ nghèo tự mình vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Huyện Ngọc Hồi xác định các Chương trình TMTQG giảm nghèo bền vững là nguồn lực, hướng đi để giúp người dân giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn. Năm 2022, 2023 huyện được phân bổ gần 12 tỷ đồng thực hiện chương trình. Trong đó, chủ yếu thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm… Nhờ vậy, giai đoạn năm 2020-2022, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân của huyện đạt 1,2%/năm. Hiện nay, huyện còn trên 700 hộ nghèo và 460 hộ cận nghèo. Bà Trần Thị Huyện – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hồi cho biết: “Trong thời gian đến, về phía huyện tiếp tục lãnh chỉ đạo trong công tác giảm nghèo, trong đó chú trọng đặc biệt là công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là 3 Chương trình  MTQG, bên cạnh đó cũng rất quan tâm các kênh của Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo.”

Sự thay đổi cuộc sống của gia đình anh Xa Văn Dũng ở thôn Cao Sơn, xã Sa Loong phần nào khẳng định ý nghĩa của các chương trình giảm nghèo. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước điều cốt yếu vẫn ở tinh thần vượt khó của mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *