(kontumtv.vn) – Phát huy lợi thế về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, thời gian qua huyện Đăk Glei tập trung phát triển cây dược liệu. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Đến nay, diện tích cây dược liệu khác của huyện Đăk Glei đạt gần 900ha; diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh đạt 38 ha, tăng hơn 30 ha so với năm 2020. Trong đó, huyện chọn xã Ngọc Linh làm điểm phát triển dược liệu. Xã hiện có trên 20 ha diện tích trồng cây Sâm Ngọc Linh và 365ha cây dược liệu khác. Ông A Bú, Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết, thời gian qua địa phương triển khai các chương trình hỗ trợ giống và nguồn vốn phù hợp cho bà con trồng, mở rộng diện tích dược liệu. Năm 2023, thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển giống cây dược liệu phát triển sản xuất, xã phân bổ trên 24.600 cây quế, 5.000 cây sơn tra cho 150 hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn. Thời gian đến, căn cứ vào chỉ tiêu, kế hoạch cấp trên giao, xã Ngọc Linh sẽ phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo, vận động bà con tích cực mở rộng thêm diện tích sâm dây và sâm Ngọc Linh.

Sau hai năm chú trọng đầu tư, gia đình anh A Bi ở thôn Ngọc Súc, xã Ngọc Linh hiện có 300 cây sơn tra. Riêng năm 2023 gia đình được UBND xã hỗ trợ trên 60 cây. Cây sơn tra được anh trồng xen trong vườn cà phê, bời lời. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây sinh trưởng tốt. Anh kỳ vọng 5 năm nữa cây cho thu hoạch quả.

Gia đình anh A Luân ở thôn Tu Dốp, xã Ngọc Linh có 4 sào sâm dây. Trung bình mỗi năm thu hoạch gần 1 tấn củ.  Anh cho biết, sâm dây giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập khá hơn cây mì, cây lúa nên gia đình duy trì trồng 3 năm nay. Riêng vụ mùa năm 2023 giá sâm dây tươi dao động từ 50.000 đồng đến trên 100.000 đồng/kg.

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Do vậy, thu hút nhiều người dân và doanh nghiệp tham gia trồng sâm. Đến nay, một số hộ dân thu hoạch hạt để làm giống và bước đầu cho thu nhập từ cây sâm Ngọc Linh. Chị Y Liên ở thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho hay: “Kỳ vọng của tôi là sẽ phát triển thêm nữa, cứ một năm tôi sẽ phát triển thêm 2,3 sào để phát triển kinh tế ổn định hơn. Tôi định hướng phát triển thêm, sau này tôi sẽ mở một mô hình để cho chị em phụ nữ trồng sâm. Ở xóm làng tôi, tôi cũng tạo điều kiện để hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng Sâm Ngọc Linh như thế nào.”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đăk Glei lần thứ XIX đề ra mục tiêu đến năm 2025 địa phương có 50ha Sâm Ngọc Linh và trên 930 ha các loại cây dược liệu khác. Đồng thời, tập trung phát triển cây dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh và một số sản phẩm chủ lực để đầu tư, hình thành các sản phẩm đặc trưng của huyện; thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là thu hút đầu tư, sản xuất và chế biến dược liệu; tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Bà Y Ly Sa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei cho biết: “Trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau: tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền bà con nhân dân trên địa bàn, nhất là các xã ở phía Bắc về ý nghĩa, vai trò của cây dược liệu; tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư về quảng bá Sâm Ngọc Linh; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển và bảo tồn giống Sâm Ngọc Linh.”

Với sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương và sự tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp, tin tưởng rằng huyện Đăk Glei sẽ hoàn thành mục tiêu phát triển dược liệu; hướng đến trở thành vùng trọng điểm của tỉnh Kon Tum trong việc trồng, chế biến dược liệu./.

Cát Tiên – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *