(kontumtv.vn) – Sau hơn 2 năm triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chuyển biến về nhận thức của Nhân dân, cuộc vận động đã đi vào đời sống, tạo bước khởi sắc ở từng khu dân cư.

Sau nhiều năm nuôi giống bò địa phương nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, nên anh A Keng ở thôn Đăk Tiêng Kơ Tu, xã Đăk La, huyện Đăk Hà muốn chuyển hướng đầu tư. Năm 2021, qua tìm hiểu thông tin anh đã mua giống bò 3B về chăn nuôi, đồng thời chịu khó tìm hiểu về đặc tính và kỹ thuật chăm sóc. Để vỗ béo cho bò, ngoài nguồn thức ăn chính là cỏ voi, rơm, anh thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng: “Mình lấy công làm lãi, tận dụng các thứ phụ phẩm trong nhà mình có tận dụng nấu cám gạo, tấm, rồi cháo mình có rau bỏ vô cho ăn, hiệu quả sẽ cao hơn cho ăn cám viên.

Thôn Đăk Tiêng Kơ Tu có gần 150 hộ, trong đó trên 95% là người dân tộc thiểu số, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Để Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm phát huy hiệu quả, Ban quản lý thôn đã tích cực tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Nhờ đó đến cuối năm 2022, thôn còn 3 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo, giảm 8 hộ nghèo và 50 hộ cận nghèo so với năm 2021. Thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 – 2025.

Với phương châm bám sát cơ sở, xã Đăk La đã phân công các tổ chức chính trị-xã hội, các chi bộ trường học, chi bộ khu dân cư kết nghĩa giúp đỡ các thôn người DTTS. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, xã có 150 hộ thay đổi tập tục, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, 95% hộ gia đình biết thâm canh tăng năng suất. Số hộ người DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đạt tỷ lệ 100%. Nhiều mô hình tiêu biểu được duy trì như nhóm liên kết lao động, mô hình khu dân cư sáng xanh, sạch, đẹp, an toàn; mô hình trồng cỏ nuôi bò 3B và cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả. Ông Nguyễn Minh Vương – Chủ tịch UBMTTQVN xã Đăk La cho biết: “Để thay đổi được nếp nghĩ này đòi hỏi phải lâu dài chúng tôi thường xuyên tổ chức kết hợp sinh hoạt trong Nhân dân, sinh hoạt các đoàn thể để tuyên truyền bằng cách làm vừa nói, vừa làm, vừa hướng dẫn cho người dân hiểu rõ 10 nội dung của cuộc vận động. Bên cạnh đó là chúng tôi phối hợp với các vị linh mục giáo phu ở khu dân cư, các vị già làng tiêu biểu để vận động tuyên truyền cho người dân thực hiện vấn đề này.

Thực hiện Kết luận số 08 của Tỉnh uỷ về triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, các xã, thị trấn đã cụ thể hóa các nội dung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tại xã Ngọc Réo, với 98% dân số là người DTTS. Để cuộc vận động đạt hiệu quả, xã đặc biệt chú trọng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các đảng viên là người dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo để trở thành tấm gương cho bà con noi theo. Nhờ vậy, năm 2022 xã có 119 hộ thoát nghèo, 95 hộ thoát cận nghèo; xây dựng và duy trì gần 20 mô hình thực hiện Cuộc vận động.  Bà Y Nhôi – Phó Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Réo cho biết thêm: “Đảng uỷ có một Nghị quyết riêng về cuộc vận động này, tất cả cán bộ, Đảng viên nhất là đảng viên là người tại chỗ phải gương mẫu đi trước trong phát triển kinh tế. Ví dụ như Đảng viên đi đầu trong việc trồng cây mắc ca, Đảng viên tự mua giống ngoài về trồng, gương mẫu trong thôn hầu như thôn nào cũng có hết.

Những khởi sắc từ Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng DTTS đã đóng góp quan trọng vào sự thay đổi diện mạo nông thôn trên quê hương Đăk Hà hôm nay./.

CTV Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *