(kontumtv.vn) – Thực hiện Kết luận 08 của Tỉnh ủy Kon Tum, thời gian qua, huyện Đăk Glei đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, nhất là các hộ gia đình người dân tộc thiểu số.

Chị em phụ nữ thôn Đăk Dung, thị trấn Đăk Glei triển khai làm điểm mô hình lúa nước với diện tích gần 1000 mét vuông. Trước đây diện tích này đã được trồng lúa, nhưng không hiệu quả nên bỏ hoang nhiều năm. Hưởng ứng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Chi hội phụ nữ thôn Đăk Dung đã họp và thống nhất xây dựng mô hình lúa nước. Chị em hội viên cùng với các tổ chức hội, đoàn thể trong thôn đã bỏ ra 40 ngày công và gần 3 triệu đồng để cải tạo lại diện tích đất. Trước đây đa phần chị em người DTTS chỉ biết trồng và chờ đến ngày thu hoạch, qua mô hình này nhiều người đã biết áp dụng bón các loại phân, chăm sóc lúa sinh trưởng tốt, tăng sản lượng. Bà Phạm Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đăk Dung vui mừng chia sẻ: “Tổng thu hoạch tầm 4 tạ lúa rất là năng suất, rất là đẹp, không những làm năng suất, tôi còn muốn mở rộng mô hình để cho bà con ở thôn đây, thôn khác học hỏi cách làm của chị em phụ nữ thôn Đăk Dung chúng tôi.”

Cùng với mô hình lúa nước, mô hình chăn nuôi an toàn của gia đình chị Đoàn Thị Duyên tham gia chuỗi liên kết nuôi heo đã phát huy hiệu quả. Theo mô hình chăn nuôi này đảm bảo từ khâu chọn giống đến khi chăm sóc heo đạt 70 đến 80kg sẽ xuất ra thị trường, thông qua Tổ liên kết. Hiện nay, trên địa bàn thôn có 01 tổ liên kết với 15 hộ gia đình tham gia cùng sở thích chăn nuôi, đến nay nhiều thành viên trong tổ đã thoát nghèo và trở thành những hộ chăn nuôi tiêu biểu. Chị Đoàn Thị Duyên cho hay: “Một năm tôi xuất ra thị trường khoảng tầm 3 tấn heo thịt. Ngoài chăn nuôi tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi đến các chị em trong tổ liên kết và các chị em trong chi hội cùng nhau phát triển và tăng thu nhập kinh tế cho gia đình.”

Đến nay, Hội LHPN huyện Đăk Glei đã xây dựng được 20 mô hình sinh kế, với tổng nguồn vốn trên 1 tỷ đồng được triển khai ở các tổ liên kết, tổ hợp tác, tại các xã, thị trấn, trong đó có 6 mô hình cấp tỉnh. Các mô hình tập trung chủ yếu vào trồng lúa nước, trồng sâm dây, nuôi ong lấy mật, nuôi bò sinh sản và mô hình nuôi heo lai. Theo bà Y Thiêng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Glei, bước đầu các mô hình đã có hiệu quả, trong thời gian tới Hội LHPN huyện đẩy mạnh các nguồn vốn vay cho bà con tiếp cận. Đồng thời, Hội LHPN huyện cùng với hội LHPN xã xuống tại các chi hội đã có mô hình và tiếp tục hướng dẫn cho bà con, cách làm hay để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, huyện Đăk Glei đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn, việc làm nhằm phát triển sản xuất, tạo ra những đột phá trong phát triển KT-XH./.

CTV A Lộc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *