(kontumtv.vn) – Thời gian qua, cùng với những chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, huyện Đăk Hà đã có nhiều giải pháp linh động, phù hợp với điều kiện thực tiễn để thúc đẩy phát triển KT – XH trong vùng DTTS. Từ đó, mang đến những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Trước đây, thôn Kon Teo – Đăk Lấp, xã Đăk Long là một trong những khu dân cư thuộc diện đặc biệt khó khăn, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào canh tác manh mún, tự cung tự cấp. Nhiều hộ còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không thể thoát nghèo. Sau khi xã chọn điểm xây dựng làng DTTS Nông thôn mới, những cách làm linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt đã được triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, đời sống kinh tế của các hộ dân có sự chuyển biến, thu nhập tăng lên 35 triệu đồng/năm. Số hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu tăng đều qua các năm. Đây là nguồn động lực quan trọng để phấn đấu sớm đạt các tiêu chí làng DTTS Nông thôn mới vào cuối năm 2023. Anh A Sao – Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Kon Teo – Đăk Lấp, xã Đăk Long vui mừng nói: “So với năm ngoái thì năm nay có hơn chục hộ nuôi dê, chăn nuôi khác thì bà con cũng duy trì rất tốt như nuôi bò, nuôi trâu. Trồng trọt, trồng lúa cũng thế. Như đợt vừa rồi đi kiểm tra thì thấy lúa tốt hơn năm trước. Bà con bây giờ trao đổi với nhau nhiều nên cũng thấy tiến bộ rồi.”

Có thể thấy, việc thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp là chìa khóa tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế của người dân nông thôn, người DTTS. Nắm bắt được điều này, huyện Đăk Hà đã tập trung nhiều giải pháp như hỗ trợ, tạo động lực để người dân vùng DTTS vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Ông Phan Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Ngọk Réo cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng thì chúng tôi đã tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế dưới nhiều hình thực như tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh cây cao su, cà phê và tập trung phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. Và đặc biệt là làm thay đổi tư duy về nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc phát triển toàn diện các mặt kinh tế – xã hội. Và bà con thì cũng rất đồng thận, phấn khởi để chung tay đóng góp xây dựng các công trình, dự án phục vụ nhu cầu củ nhân dân.”

Bên cạnh định hướng, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, huyện Đăk Hà cũng tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Tiêu biểu như tại xã Đăk Ui có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc. Để phát huy lợi thế này, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư làm chuồng trại với tổng dư nợ đến nay đạt gần 55 tỷ đồng. Theo bà Y Huế – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đăk Ui khi người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay và sử dụng đúng mục đích thì kinh tế gia đình có sự phát triển. Nhiều hộ tự xin ra khỏi hộ nghèo, trả được nợ và có tiền gửi tiết kiệm. Hiện xã đạt 19 tiêu chí Nông thôn mới, đời sống người dân được nâng lên đáng kể, bộ mặt khu dân cư có nhiều khởi sắc.

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, huyện Đăk Hà cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Từ đó, vừa làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần của người dân, vừa khai thác hiệu quả không gian văn hóa của các dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng. Đây là động lực để người dân hình thành những tư tưởng, nếp sống văn hóa mới, xây dựng thôn, làng văn minh. Nghệ nhân A Yan ở thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà chia sẻ: “Trước đây, chưa có vườn hoa thì trong làng Long Loi thì các em chưa có vui như thế này, chưa có giao lưu, cũng có cồng chiêng nhưng mà chỉ có đánh trong làng thôi, chưa ra ngoài đó. Bây giờ có du lịch rồi thì các em thấy như thế thì các em cũng nỗ lực hơn nữa, tập cho nó càng ngày càng giỏi, càng hay hơn nữa. Cũng có ông nghệ nhân dạy cho các em để sau này còn tương lai sau này nữa, cái đó mình thấy cũng phấn khởi, rất mừng.”

Với nhiều cách làm linh hoạt, sát thực tiễn, huyện Đăk Hà đã thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KT – XH, xây dựng nông thôn mới trong vùng DTTS. Đến nay, huyện có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã Đăk Ui và Ngọc Wang đạt 19 tiêu chí. Huyện có 09 thôn, làng người DTTS đạt các tiêu chí về xây dựng thôn Nông thôn mới. Đây là tín hiệu khả quan, vừa là động lực để các xã khó khăn có những giải pháp phù hợp với thực tiễn, phấn đấu xây dựng huyện Đăk Hà đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2025./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *