(kontumtv.vn) – Với đặc thù vườn nhà có diện tích rộng, từ trước đến nay bà con người DTTS nuôi gà ri khá thuận lợi. Để bảo tồn và nâng cao giá trị của giống gà ri địa phương, thành phố Kon Tum đẩy mạnh liên kết phát triển mô hình nuôi gà ri, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu “Gà ri Ngọc Bay”.

Trước đây gia đình ông A HNheng ở thôn Kơ Năng, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum nuôi gà chủ yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình và các ngày lễ, hội của bà con trong thôn. Giống gà ri bà con thường nuôi có đặc điểm thịt dai, da vàng, thơm ngon, ít tốn công chăm sóc. Những năm gần đây nhiều nhà hàng, quán ăn chọn nhập giống gà ri nên gia đình ông A HNheng tiếp tục phát triển và duy trì đàn gà 400-500 con. Mỗi ngày ông xuất bán từ 20-40 con, với giá khoảng 200.000 đồng/01 con, thu nhập của gia đình từ nuôi gà khá ổn định. Ông A Hnheng cho hay: “Trong thời gian nuôi gà thì không tốn thời gian của mình, vật tư bỏ ra ít không phải như nuôi heo, nuôi bò. Nuôi gà thì quá dễ, chỉ có thả trong vườn, cho ăn buổi sáng với buổi buổi chiều thôi cũng được, chỉ cho ăn cám gạo thôi trộn với rau bằm hoặc xay trộn cho nó ăn. Nó tự ăn cỏ nữa rồi chiều về nó ngủ trên cây.”

Xác định phát triển chăn nuôi gà ri phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán của bà con dân làng, xã Ngọc Bay triển khai thành lập 3 tổ hợp tác với 21 thành viên. Từ khi thành lập các tổ hợp tác, việc chăn nuôi của các thành viên thuận lợi hơn, không xảy ra dịch bệnh lớn hay gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên còn hỗ trợ cho gia đình khó khăn 1 cặp giống để nuôi tăng thu nhập.

Để phát triển đàn gà trong thời gian tới, ông Phan Quốc Dũng – Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay cho biết xã tập trung tuyên truyền cho bà con tham gia thành viên tổ hợp tác, đồng thời chú trọng triển khai nâng số lượng đàn gà và tập trung triển khai công tác chăm sóc, phòng bệnh vào thời điểm giao mùa, tránh dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, sự liên kết của các thành viên trong tổ hợp tác giúp cho bà con thuận tiện từ khâu chăm sóc đến đầu ra cho sản phẩm. Ông A HNheng cho biết thêm: “Các tổ viên có gà đầy đủ để bán, trước thì một gia đình không thể bán được 20-30 con, nhưng nay người ta có hỏi 30-40con thì tổ viên sẽ góp. Nhà mình không đủ thì thành viên tổ sẽ góp 5 – 10 con gì đấy, buộc phải đủ sản phẩm cho họ, để họ bắt gà mình, giá ra 130 ngàn đồng/kg.”

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm về tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng, việc phát triển mô hình nuôi gà ri theo chuỗi liên kết đang là hướng đi mới làm thay đổi nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế. Để mô hình được nhân rộng, nhiều người biết đến, thời gian tới xã sẽ xây dựng thương hiệu gà ri Ngọc Bay, thành phố Kon Tum. Ông Phan Quốc Dũng- Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay cho biết: “Định hướng của xã là nhân rộng bình quân mỗi tổ lên vài trăm thành viên, không nhân rộng tổ mà nhân rộng thành viên để phát triển tổ lên, thứ 2 là định hướng phát triển đàn theo hướng thu gom trứng để đưa về lò ấp để ấp, đảm bảo tỷ lệ sống cao hơn so với ấp tự nhiên. Xã sẽ tổ chức làm thí điểm thương hiệu cho tổ, thương hiệu có logo, biểu tượng, số điện thoại, trong đó cũng định hướng phát triển thương hiệu gà lên thành sản phẩm OCOP.”

Mô hình liên kết phát triển gà ri trên địa bàn xã Ngọc Bay được triển khai thực hiện, giúp bà con người DTTS nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế và du lịch cộng đồng trên địa bàn, góp phần để xã Ngọc Bay sớm về đích xây dựng nông thôn mới thời gian tới./.

CTV Minh Phượng – Trong Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *