(kontumtv.vn) – Thả rông gia súc là cách chăn nuôi phổ biến trong vùng DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Phương thức này ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi còn tác động xấu đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân tại huyện Kon Plông đã thay đổi không còn chăn nuôi trâu, bò thả rông như trước mà làm chuồng trại và chuẩn bị thức ăn cho gia súc, mang lại hiệu quả về kinh tế.

Đàn trâu của gia đình anh A Sâm ở thôn Măng Bút, xã Măng Bút, huyện Kon Plông có 5 con. Trong những ngày mưa, anh nuôi nhốt trâu trong khu chuồng vững chắc đảm bảo đàn trâu khỏe mạnh. Ngoài ra, chuồng ở cách xa nhà, phân thải cũng hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Anh A Sâm nói: “Xưa ông già thả tắm nó ướt hết con trâu, bây giờ không có nữa, nhà nào cũng có nhà mái che tôn, bao quanh tấm tôn hay gỗ mục làm xung quanh của chuồng trại con trâu.”

Công tác vận động người dân thay đổi phong tục thả rông gia súc góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13, ngày 18/3/2022 của BTV Tỉnh uỷ Kon Tum về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh.

Xã Đăk Tăng có hơn 470 hộ dân. Thời gian qua, chăn nuôi gia súc đã mang lại hiệu quả kinh tế và trở thành thế mạnh của xã. Để bà con đưa trâu, bò về chuồng và chăn nuôi tốt, xã huy động các nguồn hỗ trợ làm chuồng, trại; hướng dẫn chọn con giống nhằm cải tạo tầm vóc cho đàn gia súc; chủ động trồng loại cây trồng làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ vậy, xã phát triển được hơn 1.100 con trâu, bò.  Thu nhập của bà con từ gia súc là là chính, vì vậy định kì hằng năm, xã Đăk Tăng ban hành kế hoạch triển khai phòng, chống dịch bệnh ở đàn gia súc, cử cán bộ chuyên môn xuống tận hộ dân triển khai công tác tiêm phòng cũng như dọn dẹp chuồng trại.

Việc thả rông gia súc là phong tục hình thành từ lâu đời trong vùng DTTS. Dù bà con đã có sự thay đổi tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn đối với chính quyền địa phương.Ông Võ Đình Tâm – Phó trưởng phòng NN&PTNN huyện Kon Plông cho biết: “Người ĐBDTS, ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ rồi nên rất khó khăn, bây giờ cơ bản người ta cũng cơ bản nhận thức đưa trâu bò về chuồng nhốt rồi, nhưng công tác dự trữ thức ăn trong mùa đói rét thì vẫn còn hạn chế. Ví dụ như làm rơm cũng có làm nhưng còn ít, diện tích trồng cỏ vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, xa với khu làm chuồng chăn nuôi.”

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hy vọng bà con người DTTS huyện Kon Plông sẽ biết áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, từng bước chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững./.

Cát Tiên – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *