(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, nhờ lồng ghép các nguồn vốn chương trình, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, huyện Kon Plông đã và đang triển khai nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ người dân tại các vùng DTTS. Cùng với đó thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó giúp người dân vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Phát triển cây cà phê xứ lạnh là một trong những đề án quan trọng của huyện Kon Plông trong công tác giảm nghèo bền vững. Từ năm 2015, chính quyền địa phương các cấp khuyến khích, vận động người dân thực hiện việc chuyển đổi các diện tích bạc màu, kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị, trong đó có cây cà phê. Đồng thời, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Ông A Hiêng ở thôn Kô Chăk, xã Măng Bút cho hay: “Lúc trước là mình làm mì, trồng mì. Sau đó nhổ mì để nhà nước hỗ trợ cà phê 500 gốc. Sau đó là trồng cà phê, mua thêm cà phê để đủ 5 sào, để cho nó phát triển trong năm. Một năm thu nhập được 15 triệu trở lên.”

Cùng với cây cà phê xứ lạnh, từ năm 2016, huyện Kon Plông bắt đầu triển khai hỗ trợ trồng cây dược liệu như sâm dây, đương quy cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Một số bà con còn tận dụng trồng sâm dây, đương quy xen trong vườn cà phê để lấy ngắn nuôi dài. Như gia đình ông A Hiết ở thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng, sau khi thấy các hộ khác trồng cà phê, sâm dây mang lại hiệu quả, ông cũng mạnh dạn đăng ký trồng. Sau một thời gian chăm sóc, sâm dây phát triển tốt, chỉ tính việc thu lá sâm dây bán cũng được 50.000 đồng/kg.

Ngoài đương quy, sâm dây, sả Java cũng là một loại dược liệu được huyện Kon Plông triển khai thí điểm tại 3 xã vùng có thời tiết nóng là Ngọc Tem, Đăk Ring và Đăk Nên. Tại xã Ngọc Tem, mô hình sả Java được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và đang phát triển tốt. Bà Y Xai ở thôn Điek Lò, xã Ngọc Tem cho biết lúc trước gia đình bà trồng cây keo, nhưng phải mất từ 5 – 6 năm mới cho thu hoạch. Vì vậy, gia đình bà Y Xai đã  đăng ký chuyển sang mô hình trồng sả để bán cho HTX với giá từ 1.700 đồng/kg. Xã Ngọc Tem hiện có khoảng 10ha sả Java và có 1 đơn vị liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, chế biến. Tính trung bình, 1ha trồng sả Java, mỗi lần thu hoạch được 9,5 triệu đồng và có thể thu hoạch từ 3-5 lần trên 1 đơn vị diện tích.

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn tham gia chuyển đổi làm ăn kinh tế theo hướng chăn nuôi thương phẩm. Trong đó có mô hình nuôi cá nước ngọt.

Tận dụng khu vực lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum có nguồn thủy sản tự nhiên phong phú và được xác định phù hợp để phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND xã Đăk Tăng đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông hỗ trợ, xây dựng thí điểm mô hình nuôi cá lồng bè cho bà con thôn Vi Ring. Sau hơn 2 năm, mô hình đã thu hút 7 hộ dân tham gia, tiến tới thành lập mô hình kinh tế HTX Nông nghiệp và Dịch vụ xã Đăk Tăng. Anh Lô Văn Toàn – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ xã Đăk Tăng cho biết: “Mô hình này thì lúc trước mới lên đập Thủy điện Thượng Kon Tum được xã với lại các ban ngành hỗ trợ nuôi thử nghiệm cá trên lòng hồ. Trong thời gian qua, nuôi thì cũng thu được một lứa cá rô rồi, cũng đạt doanh thu số vốn nho nhỏ. Giờ cũng đang tiếp tục nuôi và cũng đang cố gắng phát triển thêm. Mình vừa nuôi cá mình, vừa kết hợp với lại khai thác du lịch và đón khách. Mình sẽ phát triển thêm mấy cái dịch vụ ăn uống ở trên lòng hồ để thêm nguồn vốn.”

Trong giai đoạn 2016 – 2020, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các nguồn vốn lồng ghép khác, huyện Kon Plông đã triển khai thực hiện trên 150 đề án, mô hình sinh kế hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi cho hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn. Với tổng kinh phí thực hiện hơn 20 tỷ đồng. Ông Phạm Thanh Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết huyện đã xác định trọng tâm phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù, đặc điểm của từng địa phương, để nâng cao hiệu quả các mô hình. Trong đó đặc biệt chú trọng các mô hình phát triển về kinh tế trang trại, kinh tế HTX trong chuỗi phát triển kinh tế nông nghiệp, để nâng cao sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo bền vững. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, hướng dẫn và triển khai cho người dân nắm rõ các quy trình, các bước triển khai các mô hình để đạt hiệu quả cao nhất.

Gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, hầu hết các mô hình sinh kế trên địa bàn huyện Kon Plông đã và đang phát triển hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực hiện của người dân. Việc nhân rộng các mô hình giúp nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, tiến tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp và góp phần thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương bền vững./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *