(kontumtv.vn) – Ngày 24/2/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 08 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Triển khai thực hiệc Cuộc vận động, thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh có nhiều giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, huyện Kon Rẫy đã xây dựng được 38 mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục “ngủ nhà đầm” tại 02 xã. Hiện toàn huyện chỉ còn 4 hủ tục, 4 phong tục của người DTTS không còn phù hợp cần được xóa bỏ. Bà Đinh Thị Anh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kon Rẫy cho biết, các cấp chính quyền trên toàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng DTTS hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động bằng nhiều hình thức phong phú như qua loa phát thanh, các buổi sinh hoạt, họp thôn, qua các già làng, người có uy tín… nhằm dần xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Đồng thời, tích cực rà soát, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.

Ông Lã Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cho biết thêm:“Địa bàn xã có 8 hộ dân thường xuyên ở nhà đầm, Đảng ủy đã tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 7 hộ thường xuyên về nhà. Đối với năm 2021, Đảng ủy chỉ đạo xây dựng được mô hình vệ sinh môi trường của các thôn ĐBDTTS, thứ hai là mô hình cải tạo vườn tạp. Năm 2022, Đảng ủy đã xây dựng mô hình cây mắc ca xen cây ăn quả, triển khai một số mô hình như trồng rau, nuôi heo trên nệm lót sinh học…”

Mô hình nuôi hươu sao là 1 trong 7 mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế được xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy triển khai thực hiện trong Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Thông qua mô hình này đã giúp nhiều hộ dân trong xã có nguồn thu nhập ổn định, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Anh A Phai ở thôn 7, xã Đăk Tơ Lung cho biết, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, anh đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả trong khu vực, từ đó mạnh dạn đầu tư 140 triệu đồng để triển khai mô hình chăn nuôi hươu sao vào đầu năm 2022. Đến nay, đàn hươu phát triển tốt, có con đã mọc nhung và được thương lái đặt mua, góp phần giúp gia đình anh A Phai có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Triển khai Cuộc vận động, trong gần 2 năm qua, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã xây dựng hoặc duy trì từ 01 đến 03 mô hình hỗ trợ ĐBDTTS phát triển kinh tế trên mỗi đơn vị. Riêng trong năm 2021, đã có gần 25.000 hộ DTTS được tuyên truyền, phổ biến nội dung của Cuộc vận động; các cấp chính quyền trong tỉnh đã huy động được gần 20 tỷ đồng hỗ trợ, giúp đỡ hơn 2.200 hộ nghèo, cận nghèo DTTS xây dựng, sửa chữa nhà, phát triển sản xuất. Theo chuẩn nghèo cũ, toàn tỉnh chỉ còn hơn 5.300 hộ nghèo DTTS, đạt chỉ tiêu đề ra giảm từ 3 – 4% số hộ nghèo là ĐBDTTS thông qua Cuộc vận động.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Cuộc vận động, thời gian tới, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo và từng địa phương; đưa nội dung Cuộc vận động vào chương trình tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp. Đồng thời, tranh thủ, huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, với mục tiêu giảm tỉ lệ hộ DTTS nghèo, cận nghèo từ 3 – 4% so với năm 2021.

Có thể thấy, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, giúp họ từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình./.

Đăng Huy – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *