(kontumtv.vn) – Xác định việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ giúp lưu truyền lại cho thế hệ sau mà còn nâng cao đời sống tinh thần của bà con người DTTS, góp phần xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hiệu quả.

Vào dịp cuối tuần, tại nhà rông thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô lại trở nên đông vui, nhộn nhịp rộn rã của cồng chiêng. Mọi người không phân biệt tuổi tác, cùng say sưa tập luyện dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân A Thu. Để tạo sự mới mẻ, nghệ nhân A Thu đã kết hợp cồng chiêng với đàn đá, đàn T’rưng… tạo ra những bài diễn tấu độc đáo. Tại đây, các thành viên vừa được thăng hoa trong âm nhạc truyền thống, vừa trao đổi, sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống, gia đình. Nghệ nhân A Thu chia sẻ: “Bản thân tôi sự đam mê về nhạc cụ dân tộc nên cố gắng truyền đạt, học hỏi, luyện tập cho thế hệ trẻ của mình bây giờ.”

Để múa xoang, đánh công chiêng đúng nhịp rất khó nên anh A Thiêm luôn cố gắng có mặt để tập cùng các thành viên đội cồng chiêng, đội múa xoang thôn Đăk Rô Gia. Anh A Thiêm cho biết: “Tôi tham gia đội cồng chiêng từ năm 17 tuổi, cũng tập vài bài. Tôi đi bộ đội, trong đó, bộ đội cũng dạy một vài bài, cũng nhờ Nghệ nhân A Thu dạy cho chúng tôi, xong rồi về. Giờ tôi tập cồng chiêng, đàn đá, ting ning và tôi có nguyện vọng đưa cả làng đi khắp mọi miền để đi biểu diễn.”

Thôn Đăk Rô Gia có 223 hộ dân, bà con đều ra sức lao động, phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Hằng năm thôn Đăk Rô tổ chức 3 lễ hội, gồm lễ hội ăn lúa mới, lễ cúng giọt nước, lễ ra quân làm đường nông thôn mới. Anh A Ngực cho biết, hiện nay, ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc ngày càng nâng lên. Đây cũng là điều kiện để thôn giữ vững vị trí đi đầu về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô. Đặc biệt, 8 năm qua, thôn luôn được công nhận là thôn văn hóa.

Nhờ sự đầu tư của nhà nước, 7 thôn trên địa bàn xã Đăk Trăm đã có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao cộng đồng, góp phần giúp xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Tranh thủ nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cấp ủy, chính quyền xã Đăk Trăm cũng chú trọng trang bị dụng cụ, trang phục cho bà con. Đến nay, xã có 7 bộ cồng chiêng, 5 thôn đã thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang. Bà Võ Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô cho biết: “Xã Đăk Trăm những năm qua, việc phát huy truyền thống của đồng bào Xơ Đăng được cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, chỉ đạo. Bên cạnh đó cũng được sự đồng thuận của người dân, các nghệ nhân đi truyền dạy ở các thôn khác, các trường học trên địa bàn xã.”

Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, vẫn rất cần sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương để công tác này thêm bền vững trong thời gian đến./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *